NHỨNG PHƯƠNG THUỐC TRỊ KINH PHONG TRẺ EM
THEO NAM DƯỢC THẦN HIỆU
Bài đăng Tạp chí Người Cao tuổi số 239 (3592) thứ 6 ngày 01/12/2023
“Nam dược thần hiệu” là y thư cổ truyền dân tộc Việt Nam với tư liệu gốc của Đại Y Thiền Sư Tuệ Tĩnh. Chúng ta cùng tìm hiểu và tham khảo các bài thuốc trị kinh phong trẻ em dưới đây.
Theo y học cổ truyền, bệnh kinh phong, còn gọi là kinh giản hoặc giản chứng là lấy chứng trạng phong rút làm chủ yếu mà đặt bệnh danh. Bệnh hay xảy ra ở trẻ em từ 3 – 5 tuổi. Dưới đây là những phương thuốc trị kinh phong ở trẻ em theo “Nam dược thần hiệu).
Cấp kinh phong
Ở người lớn gọi là trúng phong, ở trẻ con gọi là cấp kinh. Kinh là thuộc về phong nhiệt, cấp là thuộc về dương lấn lên tức là dương thịnh âm suy, vì hỏa nhiệt uất kết ở trong, tà phong ở ngoài phạm vào, tâm bị nhiệt thời sinh kinh, can sinh phong mà phát nhiệt, sinh ra các chứng hàm răng cắn chặt, sôi đờm chảy dãi, trợn mắt, uốn ván, tay chân co giật.
Nếu tròng mắt lay chuyển, trong miệng có máu, hai chân táy máy, bụng dạ co giật, sờ giường nắn áo, hôn mê thở gấp trong bụng nóng đau, bỗng nhiên kêu la là chứng khó chữa. Pháp chữa nên thanh tâm nhiệt, khu phong đàm là chủ yếu.
- Kinh trị cấp, mạn kinh phong phát sốt cẩm khẩn lòng bàn tay nóng hầm hầm đờm dãi sục lên, ho hen thở gấp: Yếm rùa (quy bản)1 cái, nướng vàng tán nhỏ, hòa với sữa cho uống, tỉnh ngay.
- Kinh trị trẻ con cấp kinh, phổi sưng khó thở ngực dô, thở gấp, cạnh sườn co, mũi phồng, buồn bực, rối loạn, ho hen, phiền khát, sôi đờm, tiếng khàn, nếu không trị gấp thì chết trong sớm tối: Hạt bìm bìm đen và hạt bìm bìm trắng đều nửa sống nửa sao, nghiền nhỏ lấy lớp bột đầu, đại hoàng nướng, hạt cau khô, mỗi vị 2 đồng, tán nhỏ, mỗi lần dùng 5 phân, sắc mật và nước làm thang mà uống thì khỏi.
- Kinh trị trẻ con kinh phong hôn mê tay mở nắm, uốn ván: Cỏ tim bấc, tẩm dầu thắp lên, hơ trên mỏ ác hai chân lông mày trên và dưới rốn, nếu mắt trâng lên không xuống được thì hơ ở trên và dưới rốn, nếu bất tỉnh nhân sự thì hơ ở lòng bàn tay lòng bàn chân, và trên dưới trái tim, nếu tay nắm chật không mở, mép xếch lên thì hơ ở giữa đỉnh đầu và hai lòng bàn tay, nếu miệng sùi bọt trắng thì hơ trên dưới miệng và lòng bàn tay bàn chân. Đây là phép bí truyền trị kinh phong.
- Kinh trị trẻ con kinh phong, bất cứ cấp hay mãn tính: Bọ hung 1 con, giã nát, nước 1 chén, cho bọ hung vào, lại dùng nồi nước nấu sôi rồi để chén thuốc vào mà nấu cách thủy, chờ thuốc nóng lấy ra lọc bỏ bã cho uống thì khỏi.
- Truyền trị trẻ con động kinh sôi dờm: Phân chuột dực đốt tồn tính, uống với nước nóng, tỉnh ngay.
- Kinh trị trẻ con kinh phong khi nghịch, nôn mửa, co quắp, đờm nghẹt, chân tay co rút; mắt trông lệch:
+ Chỉ xác bỏ ruột, sao với bột gạo; đậu xị, hai vị đều nhau tán nhỏ, mỗi lần uống hai phân rưỡi, nặng lắm thì nửa đồng cân, sắc bạc hà làm thang uống ngày ba lần thì khỏi.
+ Đầu mèo mun: Đốt thành than, tán nhỏ. Mỗi lần uống nửa đồng cân với nước nóng, có pha với ít rượu.
- Kinh trị trẻ con kinh phong cấm khẩu:
+ Bán hạ sống, bồ kết, hai vị đều nhau, tán nhỏ lấy chút ít thổi vào lỗ mũi, nhảy mũi được là sống.
+ Nam tinh 1 củ, lấy giấy gói lại đem vùi trong lửa cho chín xoi một lỗ nhỏ rồi kê vào miệng cho hơi bốc vào trong răng tự mở được.
+ Phân chim sẻ, sao tán nhỏ, sắc nước đổ vào miệng, rất hay.
- Truyền trị trẻ con cấp kinh, phát nhiệt co giật, suyễn thở há miệng:
+ Lá xương sông, chua me đất. Hai thứ giã nát, cho vào ít nước, vắt lấy nước cốt, đổ vào miệng còn bã đem xoa khắp mình và đỉnh đầu, thì khỏi.
+ Phân tằm sao, hạt cải trắng sao. Hai thứ đều nhau, tán nhỏ, mỗi lần uống từ 3 phân đến 1 đồng, tùy trẻ lớn nhỏ mà dùng, lại lấy bạc hà 8 - 9 lá, gừng 3 lát, sắc làm thang mà uống, rất hay.
+ Tỏi 5 củ đốt trước một chỗ đất cho nóng đỏ, rồi mài tỏi lên đất nóng thành cao, dùng tằm vôi 5 đồng cân, bỏ đầu chân, để lên trên tỏi, lấy bát úp kín, đừng cho ra hơi, một đêm thì lấy tằm ra, tán bột, nhét vào lỗ mũi, miệng phải ngậm nước lạnh, rất hay.
+ Vỏ ốc bươu lâu năm, đốt thành than, cho vào tí xạ hương. Tán bột, hòa với nước nóng đổ vào thì tỉnh.
- Kinh trị trẻ con thình lình sợ hãi, kêu khóc như có chỗ đau mà không biết bệnh gì:
+ Tiết gà trống, cắt lấy chút ít, nhỏ vào miệng thì yên.
+ Phân trong tổ chim yến, dùng nấu nước để tắm cũng khỏi.
- Kinh trị trẻ con sau khi động kinh thành chứng câm: Nam tinh, lấy giấy ướt gói lại vùi trong lửa cho chín, tán nhỏ dùng gan heo đực nấu lấy nước để uống với thuốc trên.
- Kinh trị trẻ em động kinh chân tay co giật, miệng nhai tóp tép, mắt trợn ngược, hôn mê bất tỉnh:
+ Mắt con hổ, tán nhỏ, sấy khô hòa với nước hoặc mài với nước cho đặc mà đổ vào.
+ Mọt sách 7 con, tính tre 1 nắm, rượu 1 chén và nước 1 chén, sắc còn l nửa cho
+ Uống ấm.
+ Thanh đại, tùy trẻ con lớn nhỏ mà dùng từ 1/2 đồng cân, hòa với nước sôi cho uống.
+ Tổ ong tàng nấu nước đặc mà lau khắp người, ngày làm 4 - 4 lần là khỏi.
- Kinh trị trẻ em động kinh các loại đều khỏi: Hoa kinh giới 2 lạng, phèn phi 1/2 lạng, phèn chua 1/2 lạng. Cùng tán nhỏ luyện hồ làm viên bằng hạt gạo nếp liều dùng 20 viên, thang tống với nước gừng ngày uống 2 lần. Hoặc dùng chu sa làm áo càng tốt.
Mạn kinh phong
Chứng mạn kinh là do ngoại cảm phong hàn, ăn bú không tiêu mà sinh ra, hoặc lúc có bệnh uống nhiều thuốc thổ hạ, tỳ vị đều hư rồi sinh ra.
Phát bệnh thì miệng nôn trôn tháo không chừng độ, mắt hé mở, đờm vướng cổ họng như tiếng kéo cưa, miệng mũi hơi thở lạnh, môi nhạt mặt xanh, mép chảy nước bọt như sắp sinh bệnh động kinh.
Đại khái chứng cấp kinh thì thuộc dương, dương cường mà âm nhược, còn mạn kinh thì thuộc âm, âm thịnh mà dương suy, pháp chữa phải khu phong lợi đàm kiện tỳ tráng vị là chủ yếu.
- Kinh nghiệm dùng phép chữa: Bệnh mạn kinh là do nguyên khí hư tổn mà sinh ra hôn mê, kíp cứu vào huyệt Bách hội thì sống, nếu chờ khi hạ đờm rồi bệnh không khỏi mới cứu thì nguyên khí thoát mất, không chữa được nữa.
- Kinh trị trẻ con vì miệng nôn trôn tháo hoặc uống nhầm thuốc lạnh, tỳ hư sinh ra phong đàm, mạn kinh: Nam tinh 1 củ to nặng 8 - 9 đồng cân, cắt bỏ rốn, thiên ma lùi chín 1 đồng, tán nhỏ. Xạ hương 1 ly. Các vị trộn thật đều, trẻ con 3 tuổi cho uống 1/2 đồng, dùng Gừng sống và phòng phong nấu nước làm thang tống, cũng trừ được chứng ho lâu ngày mà nôn ọe (buồn nôn).
- Kinh trị trẻ con mạn kinh, hôn mê có giật:
+ Ô dược, mài với nước, nhỏ vào miệng là tỉnh ngay.
+ Chỉ xác bỏ ruột sao, Đậu xị sao. Hai thứ bằng nhau, tán bột, mỗi lần uống 2 phân, nặng thì nửa đồng, sắc kinh giới làm thang và cho vào 4 - 5 giọt rượu mà uống. Mỗi ngày uống 3 lần là khỏi.
Mạn tỳ
Mạn tỳ là thuộc chứng âm vì âm khí quá thịnh, dương khí quá suy, nên bệnh rất nguy. Về chứng trạng thì đỏ mặt, đầu đổ mồ hôi, lưỡi rụt lại, đầu gục xuống, mắt nhắm không mở được, lúc ngủ lắc đầu thè lưỡi, thường ọe ra mùi hôi tanh, miệng ngậm, răng nghiến, tay chân hơi giật mà không co được, mình hoặc lạnh hoặc ấm mà tay chân đều lạnh. Ấy là do sau khi bị mạn kinh thổ tả quá nhiều, tổn thương đến tỳ, bệnh truyền khắp các tạng khác rồi về kinh tỳ, tỳ bị bệnh cho nên gọi là “Mạn tỳ phong”. Nếu khu phong thì phong đâu mà khu, trấn kinh thì kinh đâu mà trấn? Chỉ nên trị đờm dãi tích trệ trong tỳ mả thôi.
- Kinh nghiệm dùng phép cứu trẻ con kinh phong: Lấy ngải cứu, vê thành một mồi bằng hột đậu xanh, cứu ngay trên đám thịt đen quanh núm vú, trai bên trái gái bên phải, trẻ 1 tuổi thì đốt 3 mồi, 2 - 3 tuổi thi đốt 5 - 7 mồi. Hay lắm. Một phép thì cứu ở huyệt Bách hội ở xoáy thượng càng hay.
- Kinh trị trẻ con bị phong mạn tỳ, vì sau khi miệng nôn trôn tháo mà phát ra: Ma hoàng 10 cọng (mỗi cọng dài 5 tấc) bỏ mắt, Bạch truật 3 cục bằng đầu ngón tay, Toàn yết 2 con, gói bằng lá bạc hà tươi lùi để khô. Đều tán bột, lấy bạc hà sắc làm thang mà uống. Ba tuổi trở lên uông 5 phân (bằng ¼ đồng tiền xúc), 2 tuổi trở lại uống 1/8 đồng tiền xúc, rất hay.
- Kinh trị trẻ con vì ốm lâu ngày, hoặc vì miệng nôn trôn tháo rồi mới phát chứng động kinh, chuyển thành chứng mạn tỳ: Toàn yết 10 con, giã nhỏ, lấy quả lựu, móc bỏ ruột, nhét toàn yết vào trong, trộn một ít cơm ủ rượu, đậy kín, nướng quả lựu với lửa liu riu, thỉnh thoảng khuấy đều, lúc thành cao thì lấy ra để nguội, mỗi lần uống 2 phân, nấu nước kim ngân hoa và bạc hà làm thang mà uống.
Trong các bài thuốc chữa kinh phong theo “Nam dược thần hiệu”, có sử dụng các đơn vị đo lường cổ như lạng, đồng (đồng cân), phân, ly… Đơn vị cân thuốc Đông y có thể quy đổi thành gam như sau: 1 lạng (khoảng 31,25 gam), 1 đồng cân (khoảng 3,1 gam), 1 phân (khoảng 0,31 gam), 1 ly (khoảng 0,03 gam). Để tham khảo, chúng ta cần quy đổi ra các đơn vị đo khối lượng hiện hành, ví dụ nam tinh 8 đồng cân, tức là nam tinh nặng khoảng 24,8 gam.
Điều trị động kinh theo y học cổ truyền cần phải được thăm khám tỉ mỉ, thầy thuốc chẩn đoán theo thể bệnh, mức độ bệnh mà có những pháp điều trị, phương thuốc cũng như các biện pháp khác (châm cứu hoặc cấy chỉ) phù hợp. Các bài thuốc có thể có hiệu quả, tuy nhiên người bệnh không nên tự ý sử dụng, tốt nhất cần sự chỉ định và tư vấn của thầy thuốc.
Link báo chí:
Tiến sĩ - Lương y Phùng Tuấn Giang
Chủ tịch Viện Nghiên cứu Phát triển Y Dược cổ truyền Việt Nam
Chủ nhiệm Nhà thuốc Thọ Xuân Đường