MĂNG TÂY – THỰC PHẨM VÀNG TRONG LÀNG CHỐNG OXY HÓA
Trước đây, Măng tây là món rau cao cấp, thường xuất hiện trong các bữa tiệc. Gần đây, măng tây được sử dụng ngày càng nhiều trong các bữa ăn gia đình. Không chỉ ngon, ngọt và mát, măng tây còn là thực phẩm có ích cho sức khỏe bởi các đặc tính chống oxy hóa, chống viêm và chống độc tố đáng chú ý. Điều này đã được các nhà khoa học nghiên cứu và măng tây được các tổ chức y tế trên thế giới khuyên dùng.
1. Lợi ích của măng tây được khoa học chứng minh
Phần măng ăn được là búp non của cây măng tây (Asparagus officinalis L.) thuộc họ Thiên môn (Asparagaceae).
Thành phần hóa học của măng tây gồm: Polyphenol (rutin, quercetin, kaempferol, isorhamnetin…), flavonoid, vitamin nhóm B, vitamin C, anthocyanin, saponin, acid amin, fructooligosaccharides, Fe, Mn, Cu, Zn… Tổng cộng có 94 hợp chất đã được xác định.
Măng tây là một trong những thực phẩm có tác dụng chống oxy hóa tốt nhất, thậm chí còn hơn cả bông cải xanh. Hoạt tính chống oxy hóa của măng tây được các nhà khoa học thử nghiệm trên in vitro và in vivo. Ngoài ra, các nhà khoa học còn nghiên cứu các phương pháp trồng, xử lý, bảo quản măng tây sao cho đảm bảo hàm lượng các chất chống oxy hóa.
Nhờ có tính oxy hóa cao mà Măng tây và hoa cúc được dùng để làm thuốc giải độc thuốc trừ sâu DZN. Điều này được nhóm nghiên cứu Fahmy G.Elsaid và cộng sự (2015) đánh giá trên động vật thực nghiệm. Kết quả của nghiên cứu này cho thấy các thay đổi enzyme chống oxy hóa liên quan đến phơi nhiễm với DZN phụ thuộc vào liều trong các mô đại não, tiểu não và tủy sống. Độc tính khối u của DZN được thể hiện bằng sự gia tăng đáng kể của arginase và alpha-l-fucosidase trong huyết thanh của tất cả các nhóm phơi nhiễm DZN. Ngoài ra, những thay đổi phân tử đã được nghiên cứu bởi những thay đổi của superoxide effutase phụ thuộc Cu/Zn, glutathione-S-transferase và glutathione peroxidase đã bị thay đổi sau khi dùng DZN cho chuột. Các phát hiện hiện tại cho thấy rằng uống chiết xuất nước măng tây hoặc hoa cúc có thể khôi phục lại toàn bộ khả năng chống oxy hóa, được chứng minh bằng sự gia tăng hoạt tính superoxide disutase, hàm lượng glutathione và các enzyme tương đối của chúng trong các mô được nghiên cứu. Do đó, măng tây và hoa cúc là những ứng cử viên tiềm năng làm chất chống độc thần kinh.
Bisphenol A (BPA) là hóa chất thường có trong các dụng cụ nhựa, có thể gây ra thay đổi mô bệnh học và stress oxy hóa tại các mô gan, thận và làm giảm khả năng chống oxy hóa. Trên thực nghiệm, các nhà khoa học đã chứng minh Măng tây có tác dụng làm giảm bớt mức độ oxy hóa, làm giảm sự thay đổi bệnh lý của gan, thận do BPA gây ra.
Polysaccharide trong Măng tây có hoạt động chống oxy hóa và chống ung thư đáng chú ý. Các phân đoạn Polysaccharide được đánh giá có khả năng quét gốc hydroxyl đáng kể; có hoạt tính chống ung thư, chống lại các tế bào HeLa và BEL-7404 (dòng tế bào ung thư gan người) phụ thuộc liều.
Măng tây làm tăng cường sự phát triển của tế bào keratinocytes (loại tế bào chiếm ưu thế ở lớp biểu bì và đóng vai trò chính trong chức năng biểu bìngười). Măng tây chứa các hợp chất sẽ có lợi cho sức khỏe làn da, thúc đẩy quá trình lành vết thương.
Không chỉ có phần măng, mà lá, quả và thân rễ của cây măng tây cũng có tác dụng chống oxy hóa, chống lại nhiều chủng vi khuẩn gây bệnh và tế bào ung thư ở người. Đặc biệt là phần thân rễ, có hoạt động gây độc tế bào rõ rệt hơn đối với các tế bào HCT-116 (ung thư đại tràng người) so với các bộ phận khác.
Các mảnh vỏ và gốc của măng tây có tác dụng dược lý khác nhau, nhưng chúng thường bị loại bỏ khi thu hoạch. Chúng được thử nghiệm lâm sàng đối với sự cải thiện hội chứng chuyển hóa đặc trưng bởi tăng huyết áp, tăng đường huyết và rối loạn lipid máu. 28 tình nguyện viên khỏe mạnh được sử dụng phần vỏ và gốc măng tây (6g/ngày) mỗi ngày trong 10 tuần. Kết quả cho thấy giảm đáng kể huyết áp, đường huyết lúc đói và giảm cả chỉ số lipid máu có hại.
2. Sử dụng măng tây đúng cách
Khi chế biến măng tây, để đảm bảo các chất chống oxy hóa không bị thoái giáng đi nhiều, không nên nấu quá kỹ, chỉ nên xào, hấp hoặc quay trong lò vi sóng đến khi chín tới. Hoặc trước khi chế biến, có thể cho Măng tây vào lò vi sóng quay (900 W, 30 giây), đây là cách xử lý giúp đẩy nhanh quá trình khử hoạt tính của peroxidase.
Ngoài việc sử dụng măng tây tươi, để lưu trữ măng tây (1-3 tuần), người ta còn muối chua. Măng tây được muối lên men có giảm lượng Vitamin B so với măng tươi, nhưng tác dụng chống oxy hóa không bị ảnh hưởng.
Măng tây sấy thường được dùng để lưu trữ dài ngày hoặc được đóng gói làm thành phần trong thực phẩm ăn liền. Cách thực hiện sau đây sẽ giúp măng tây khô giữ được giá trị Vitamin C cao nhất. Măng tây măng tây có đường kính từ 9-12mm được chần nước 85oC trong 3 phút, chẻ đôi hoặc 3 sao cho độ dày khoảng 4mm, sau đó sấy khô, nên sử dụng các phương pháp sấy khô như: sấy lạnh, sấy bức xạ, sấy đối lưu, sấy tầng sôi…
Khi chế biến măng tây với thịt bò, protease trong măng tây sẽ giúp thịt bò mềm hơn.
Sử dụng măng tây tươi ép nước hoặc xay sinh tố sẽ giữ được các chất chống oxy hóa, rất tốt cho sức khỏe, giúp giải độc và phòng chống ung thư.
Măng tây không phải chỉ có ở “Tây”, hiện nay, nước ta cũng có nhiều vùng trồng măng tây sạch, đảm bảo về chất lượng. Tuy giá cả cao hơn các loại rau ăn khác, nhưng không quá đắt đỏ đối với loại thực phẩm ngon và tốt như măng tây. Hãy bổ sung măng tây vào thực đơn của gia đình bạn để cải thiện bữa ăn và chăm sóc sức khỏe cho cả nhà nhé!
Bác sĩ: Nguyễn Thùy Ngân (Thọ Xuân Đường)
Để được tư vấn về các vấn đề sức khỏe hãy liên hệ ngay với
NHÀ THUỐC ĐÔNG Y GIA TRUYỀN THỌ XUÂN ĐƯỜNG
Địa chỉ: số 5-7 Khu tập thể Thủy sản, ngõ 1 Lê Văn Thiêm, Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội
Hotline: 0943986986 – 0937638282