ĐÔNG Y ĐIỀU TRỊ SUY DINH DƯỠNG TRẺ NHỎ
Suy dinh dưỡng trẻ em là một tình trạng khá thường gặp, trẻ không chỉ còi cọc gầy yếu mà còn dễ mắc các bệnh do sức đề kháng yếu. Chính vì vậy việc điều trị suy dinh dưỡng rất quan trọng để giúp bé có thể phát triển toàn diện. Cùng tìm hiểu đông y điều trị suy dinh dưỡng trẻ nhỏ như thế nào?
1. Nguyên nhân gây suy dinh dưỡng theo đông y
Theo đông y thì suy dinh dưỡng trẻ em thuộc phạm vi chứng cam, trẻ thường gầy gò, bụng chướng to, ăn uống kém, có thể kèm theo rối loạn tiêu hóa, tả lỵ. Nguyên nhân của chứng cam có thể do
- Ăn uống thất thường, ăn quá nhiều đồ béo ngọt, bánh kẹo, đồ đóng hộp hay các đồ sống lạnh khó tiêu
- Do trẻ ốm đau nhiều lần hoặc ốm đau kéo dài, nhất là những trẻ phải sử dụng nhiều thuốc kháng sinh tây y
- Do sử dụng thuốc tả hạ hoặc thuốc thổ không đúng
- Bẩm thụ yếu ớt, đẻ non, mẹ thiếu kinh nghiệm nuôi dưỡng trẻ
Trẻ em vốn có thể chất non yếu, tỳ vốn bất túc lại thêm các nguyên nhân trên làm chính khí của trẻ giảm suốt, tỳ vị bị tổn thương khiến công năng tỳ vị rối loạn, thức ăn không được vận hóa tích trệ lại tạo thành chứng cam. Thức ăn khó tiêu tích tụ lại trong bụng khiến bụng mỗi ngày một chướng to.
Bệnh lâu ngày khiến tỳ vị hư dần, không vận hóa được thức ăn, nguồn sinh hóa ra khí huyết bị giảm sút, không cung cấp đủ nguyên liệu cho cơ thể hoạt động và phát triển, cơ bắp teo dần, trí lực và thể lực suy giảm, chậm phát triển. Chính khí và vệ khí kém khiến trẻ dễ mắc các bệnh ngoại cảm, khiến bệnh càng ngày càng nặng thêm.
2. Dong y điều trị suy dinh dưỡng trẻ em như thế nào
- Thể cam tích
Chứng trạng: Trẻ gầy róc, bụng trướng to nổi gân xanh, người bứt rứt khó chịu, da nóng, thỉnh thoảng sốt về chiều. Ăn kém, lười ăn. Đại tiện lúc lỏng lúc táo, phân sống lổn nhổn, sống phân, đái khai. Ra mồ hôi trộm, rêu lưỡi dày nhớt, mạch trầm hoạt, chỉ vân tay tía trệ.
Pháp điều trị: Tiêu thực kiện tỳ
Phương trị: Tiêu thực hoàn
Thành phần: Sơn tra 12g, Thần khúc 6g, Hoài sơn 12g, Liên kều 6g, La bạc tử 6g, Trần bì 6g, Bán hạ 6g
Cách dùng: Sắc uống ngày 1 thang chia 2 lần uống trong ngày
- Thể tỳ hư
Chứng trạng: Mệt mỏi, gầy còm, sắc mặt vàng ải, cơ nhục nhẽo. Lúc ngủ mắt nhắm không kín. Ăn uống kém, không muốn ăn, thích nghịch và ăn đất. Tiếng khóc nhỏ yếu, đại tiện phân sống nát kéo dài 3-4 lần mỗi ngày. Bụng hơi chướng, ấn mềm, lưỡi nhợt bệu, rêu cáu dầy. Mạch trầm tế vô lực, chỉ vân tay hồng nhạt
Pháp điều trị: Bổ tỳ ích khí kiêm tiêu tích
Phương trị: Sâm linh bạch truật tán
Thành phần: Đảng sâm 10g, Bạch linh 8g, Bạch truật 10g, Hoài sơn 10g, Liên nhục 10g, Biển đậu 8g, Cát cánh 4g, Cam thảo 4g, Sa nhân 4g
Cách dùng: Sắc uống ngày 1 thang chia 2 lần uống trong ngày
- Thể khí huyết hư
Chứng trạng: Gầy yếu da khô, sắc mặt tái nhợt, tinh thần ủ rũ, không chịu chơi. Tiếng khóc nhỏ yếu, tóc khô thưa hung dựng ngược, chân tay lạnh. Ăn uống kém, đại tiện phân lúc táo lúc lỏng. Thỉnh thoảng sốt cơn, lúc sốt môi khô hồng, còn thường môi nhợt. Mạch trầm nhược, có lúc trầm tế sác.
Pháp điều trị: Bổ khí dưỡng huyết kiêm kiện tỳ
Phương trị: Bát trân thang gia giảm
Thành phần: Đảng sâm 12g, Bạch linh 12g, Bạch truật 12g, Cam thảo 6g, Xuyên khung 12g, Đương quy 12g, Thục địa 12g, Bạch thược 12g.
Cách dùng: sắc uống ngày 1 thang cùng 3 lát gừng tươi và 2 quả đại táo. Uống trước ăn sáng –tối
Ngoài ra dân gian còn sử dụng các phương pháp châm cứu, xoa bóp và các bài thuốc dân gian để điều trị căn bệnh này. Đặc biệt hơn cả là chế độ chăm sóc và ăn uống của trẻ phải đầy đủ hơn.