NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ BỆNH SUY GIÃN TĨNH MẠCH CHI DƯỚI
Hiện nay, căn bệnh suy giãn tĩnh mạch chi dưới đã không còn là căn bệnh xa lạ với mọi người, đặc biệt là đối với các chị em phụ nữ. Bệnh tuy không gây nguy hiểm trực tiếp đến tính mạng, nhưng nó đem lại rất nhiều phiền toái cho người bệnh, gây cản trở trong sinh hoạt, thẩm mĩ và công việc hàng ngày. Vậy nguyên nhân nào gây ra bệnh suy giãn tĩnh mạch chi dưới, hãy cùng Nhà thuốc Thọ Xuân Đường tìm hiểu nhé!
Hệ thống tĩnh mạch chi dưới bao gồm những gì?
Hệ thống tĩnh mạch chi dưới là một phần của hệ tuần hoàn chung đóng vai trò vận chuyển máu từ ngoại vi trở về tim. Có 2 hệ thống tĩnh mạch là tĩnh mạch nông và tĩnh mạch sâu.
Hệ thống tĩnh mạch nông: Là các tĩnh mạch nằm ngay dưới bề mặt da bao gồm tĩnh mạch hiển bé và tĩnh mạch hiển lớn. Các tĩnh mạch này có vai trò vận chuyển máu từ bề mặt (da và mô dưới da) vào trong các tĩnh mạch sâu.
Hệ thống tĩnh mạch sâu: Bao gồm các tĩnh mạch các tĩnh mạch ở tầng chậu- đùi, khoeo chân và cẳng chân. Các tĩnh mạch sâu thường chạy song song với các động mạch tương ứng.
Hai hệ thống tĩnh mạch này được ngăn cách với nhau bởi các cơ và mô liên kết, chúng thông với nhau bởi một hệ thống tĩnh mạch thứ ba – các tĩnh mạch xuyên (perforating veins).
Van tĩnh mạch: có ở cả 3 loại tĩnh mạch trên. Các van này mở khi máu được đẩy về tim ngược chiều trọng lực và đóng lại ngay lập tức khi máu bắt đầu chảy ngược xuống dưới.
Suy giãn tĩnh mạch chi dưới mãn tính là gì?
Suy giãn tĩnh mạch chi dưới là sự suy giảm khả năng đưa máu trở về tim của hệ thống tĩnh mạch chi dưới (chân), dẫn đến hiện tượng máu bị ứ đọng lại, gây ra các biến đổi về huyết động và làm biến dạng các tổ chức mô xung quanh. Bệnh có thể dẫn đến biến chứng khó chữa như: chàm da, loét chân không lành, chảy máu, giãn lớn các tĩnh mạch nông, viêm tĩnh mạch nông huyết khối, huyết khối tĩnh mạch sâu...
Nguyên nhân gây bệnh suy giãn tĩnh mạch chi dưới
Nguyên nhân chính yếu của căn bệnh này hiện vẫn chưa được xác định rõ ràng. Tuy nhiên, suy giãn tĩnh mạch chi dưới được cho là có liên quan đến một số yếu tố nguy cơ gây tổn thương chức năng của các van một chiều thuộc hệ tĩnh mạch ngoại biên. Những van tĩnh mạch một chiều này bị mất hoặc giảm khả năng đóng van lại, khiến dòng máu trào ngược trở lại, từ đó máu tích tụ trong tĩnh mạch khiến tĩnh mạch bị giãn hoặc xoắn lâu dần gây suy giãn tĩnh mạch chi dưới tùy mức độ.
Một số yếu tố nguy cơ gây bệnh
Tuổi tác
Không ít các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng, người già, người cao tuổi là đối tượng dễ có nguy cơ mắc chứng bệnh này cao hơn so với các đối tượng khác. Bởi vì, tuổi càng cao thì các cơ quan trong cơ thể càng bị lão hóa, các tĩnh mạch bắt đầu mất tính đàn hồi và các van bên trong chúng cũng ngừng hoạt động, từ đó chứng giãn tĩnh mạch chi dưới có thể hình thành.
Giới tính
Suy giãn tĩnh mạch chi dưới xảy ra ở cả nam và nữ, tuy nhiên phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh này nhiều hơn so với nam giới. Trên thế giới, suy tĩnh mạch chi dưới chiếm một tỉ lệ đáng kể trên tổng số dân, trong đó có 70% là nữ.
Yếu tố di truyền
Nguy cơ mắc chứng suy giãn tĩnh mạch chi dưới sẽ tăng lên nếu một trong các thành viên trong gia đình mắc bệnh này. Theo thống kê, có đến 80% bệnh nhân suy giãn tĩnh mạch chi dưới có cha hoặc mẹ mắc bệnh.
Có tiền sử bị viêm tắc tĩnh mạch chi dưới
Viêm tĩnh mạch với sự hình thành huyết khối trong các tĩnh mạch nông và sâu sẽ ngăn cản dòng máu trở về tim từ đó gây tăng nguy cơ suy giãn tĩnh mạch chi dưới.
Tư thế sinh hoạt, làm việc
Phải đứng hay ngồi một chỗ lâu, ít vận động, phải mang vác nặng… tạo điều kiện cho máu bị dồn xuống hai chân, làm tăng áp lực trong các tĩnh mạch chi dưới, lâu ngày gây tổn thương các van tĩnh mạch một chiều. Khi các van bị suy yếu sẽ làm giảm khả năng ngăn chặn luồng máu chảy ngược xuống dưới do tác dụng của trọng lực, dẫn đến ứ máu ở hai chân. Ngoài việc phải đứng nhiều thì làm việc trong môi trường ẩm thấp cũng là tác nhân gây bệnh trầm trọng hơn. Như ở Việt Nam ta, theo một nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ công nhân chế biến thủy sản bị giãn tĩnh mạch chi dưới chiếm trên 70%.
Thừa cân, béo phì
Người bị thừa cân hoặc béo phì có nguy cơ mắc bệnh suy giãn tĩnh mạch chi dưới nhiều hơn so với nhóm đối tượng khác vì khi trọng lượng cơ thể tăng có thể làm tăng áp lực lên hệ tĩnh mạch chi dưới khi đi đứng hoặc ngồi lâu từ đó hạn chế lưu lượng máu quay trở lại tim lâu dần gây bệnh.
Phụ nữ mang thai nhiều lần
Các nhà khoa học đã chứng minh rằng, khi phụ nữ đang mang thai hay đã mang thai, sinh đẻ nhiều lần thì nguy cơ mắc bệnh thường cao hơn những người chưa mang thai và nam giới đến 2 lần. Bởi nguyên nhân chính là do hormone nữ tăng, khối lượng máu tăng xảy ra trong quá trình mang thai làm tăng áp lực lên hệ van tĩnh mạch chi dưới từ đó làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
Lạm dụng giày cao gót
Khi sử dụng giày cao gót quá nhiều, quá lâu sẽ dẫn đến việc máu không được lưu thông, tuần hoàn máu không dễ dàng, nên sẽ dẫn đến hiện tượng tắc nghẽn, đây là một trong các nguyên nhân chính gây ra suy giãn tĩnh mạch chân.
BS Thu Thủy
Để được tư vấn về các vấn đề sức khỏe vui lòng liên hệ
NHÀ THUỐC ĐÔNG Y GIA TRUYỀN THỌ XUÂN ĐƯỜNG
Số 5 - 7 Khu tập thể Thủy sản, Ngõ 1 Lê Văn Thiêm, Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội.
Hotline: 0943986986 - 0937638282