SUY TIM PHẢI CÓ BIỂU HIỆN GÌ?
Suy tim phải là bệnh do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra như thông liên nhĩ, thông liên thất, tăng áp động mạch phổi bẩm sinh, nhồi máu cơ tim thất phải, suy tim phải thứ phát sau suy tim trái, hẹp lỗ van động mạch phổi, hẹp lỗ van 2 lá -3 lá… Cùng tìm hiểu một số biểu hiện của suy tim phải.
1. Triệu chứng lâm sàng
Biểu hiện của suy tim phải còn tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra bệnh. Có một số biểu hiện như sau:
- Người mệt mỏi, khó thở, đau tức ngực
Đây là những triệu chứng hầu hết bệnh nhân nào cũng có. Bệnh nhân cảm thấy người mệt mỏi, không muốn làm việc. Khó thở tăng khi làm việc nặng, thường xuyên đau tức ngực trái, có thể đau lan lên trên.
- Tím môi và đầu chi do thiếu oxy và ứ trệ tuần hoàn tĩnh mạch
- Phù ngoại vi
Phù có thể xuất hiện sớm ở 2 bàn chân, rồi tới 2 cẳng chân sau đó phù tới các khu vực khác. Phù thường kèm theo tím đầu chi, tăng lên về chiều, tiểu ít, ăn mặn phù tăng. Giai đoạn sau suy tim nặng thì phù to toàn thân, hay tái phát.
- Tràn dịch
Tràn dịch màng phổi 1 hoặc 2 bên, bản chất là dịch thấm khiến khó thở tăng. Cũng có thể tràn dịch khoang màng phổi, cổ trướng tăng dần, về sau cổ trướng tự do khiến bụng căng chướng gây khó thở và mệt mỏi, nặng nề.
- Gan to, tĩnh mạch cổ nổi
Suy tim phải lâu ngày thì gan bị xơ trở nên chắc, phản hồi gan tĩnh mạch cảnh (-), lúc này xuất hiện các hội chứng của xơ gan như suy giảm chức năng gan, tăng áp tĩnh mạch cửa
- Triệu chứng thực thể
Nghe tim có thấy tiếng thổi tâm thu ở mũi ức, khi hít sâu vào thì cường độ tiếng thổi tăng lên. Có thể nghe thấy nhịp ngựa phi thất phải, tăng áp lực tĩnh mạch trung ương ≥ 7cmH20.
2. Triệu chứng cận lâm sàng
- Chụp Xquang tim phổi thẳng – nghiêng: bóng tim to, cung nhĩ phải và thất phải giãn to
- Điện tâm đồ: Thường có một số dấu hiệu như phì đại nhĩ phải và thất phải, có thể thấy các dấu hiệu gián tiếp về nguyên nhân gây suy tim như biến đổi ST, sóng T, sóng Q, tăng gánh thất trái, dày nhĩ dày thất.
- Siêu âm Doppler tim: dày thành thất phải, giãn nhĩ phải và thất phải, suy chức năng tâm thu và tâm trương thất phải. Nếu có hẹp lỗ van động mạch phổi thì áp lực động mạch phổi giảm, nếu tâm phế mạn tính thì áp lực động mạch phổi tăng trên 32mmHg; nếu có nhồi máu cơ tim thất phải sẽ có vùng cơ tim thất phải bị rối loạn vận động.
- Xét nghiệm máu: Giảm Prothrombim, tăng Bilirubin, Tăng SGOT, SGPT, giảm phosphataza kiềm, giảm albulim và protein máu, tăng hồng cầu và Hemoglobulin, tăng Hematocrit
- Xét nghiệm nước tiểu: Giảm thể tích nước tiểu, Protein > 30mg/dl
Như vậy suy tim phải có thể gây ra rất nhiều biểu hiện khác nhau, nhất là ở giai đoạn sau. Nếu có thể phát hiện sớm có thể điều trị để cải thiện chất lượng sống của bệnh nhân. Chính vì vậy khi có các dấu hiệu nghi ngờ cần đi thăm khám ngay.