CÁCH PHÒNG NGỪA THIỂU NĂNG TUẦN HOÀN NÃO
Thiểu năng tuần hoàn não hay còn gọi là rối loạn tuần hoàn não là tình trạng tuần hoàn máu lên não giảm khiến lượng máu cung cấp cho não bị giảm. Tình trạng này khiến giảm cung cấp oxy và các chất dinh dưỡng cho não khiến ảnh hưởng đến các hoạt động chức năng bình thường của não bộ. Vậy làm thế nào để phòng ngừa thiểu năng tuần hoàn não?
1. Tìm hiểu về thiểu năng tuần hoàn não
- Nguyên nhân gây bệnh
Thiểu năng tuần hoàn máu não có thể do rất nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra:
Huyết áp không ổn định: bệnh tăng huyết áp, huyết áp thấp
Do bệnh tim mạch: suy tim, bệnh van tim, cục máu đông, xơ vữa động mạch, hẹp động mạch, dị dạng mạch máu bẩm sinh, viêm tắc động mạch
Do chấn thương vùng cột sống cổ, vùng đầu mặt
Do thoái hóa cột sống cổ, thoát vị đĩa đệm cột sống cổ gây chèn ép mạch máu làm giảm lượng máu lưu thông lên não
Do các chèn ép từ bên ngoài hoặc bện thần kinh như u não, u tiểu não
- Đối tượng thường mắc bệnh
Căn bệnh này hay gặp ở người trung niên và người cao tuổi, đặc biệt là những người lao động trí óc phải suy nghĩ nhiều.
Các yếu tố từ môi trường sống xung quanh cũng ảnh hưởng như ô nhiễm môi trường, chế độ ăn uống không khoa học, tình trạng căng thẳng thần kinh, thiếu ngủ…
Ngoài ra thiểu năng tuần hoàn não có thể gặp ở những người trẻ tuổi, đặc biệt những người đang phải làm việc và học tập cường độ cao, ăn uống nhiều chất béo dầu mỡ, thực phẩm ăn liền, đồ ăn nhanh cùng việc lười tập luyện và thể thao.
- Triệu chứng thường gặp
Tùy theo từng bệnh nhân mà các triệu chứng của thiểu năng tuần hoàn máu não có thể thay đổi khác nhau:
Đau đầu, nhức đầu, cảm giác đầu váng vất khó chịu: thường đau lan tỏa, đau toàn bộ đầu hoặc khu trú vùng trán, vùng chẩm gáy
Chóng mặt: cảm giác loạng choạng nhất là khi thay đổi tư thế. Thường kèm theo hoa mắt, tối sầm lại.
Dị cảm: là những cảm giác tê bì ở tay và chân
Một số triệu chứng khác: ngủ kém, khó ngủ, dễ cáu gắt, dễ xúc động, suy giảm trí nhớ, giảm tập trung.
2. Cách phòng ngừa thiểu năng tuần hoàn não
Để phòng ngừa căn bệnh này cần thực hiện nhiều biện pháp và có sự kết hợp giữa bệnh nhân và thầy thuốc:
- Bố trí thời gian làm việc phù hợp
Không nên làm việc liên tục cả ngày, nhất là các hoạt động trí óc cần sự tập trung và nhiều áp lực. Hãy dành ra khoảng 10-15 phút nhắm mắt nghỉ ngơi để thư giãn cơ thể, giúp giảm tải sự căng thẳng cho não bộ.
- Sinh hoạt điều độ
Nên ngủ đủ giấc, đúng giờ, không thức khuya
Hạn chế sử dụng các thiết bị điện tử, tivi, điện thoại, máy tính
- Ăn uống khoa học
Duy trì cân nặng lý tưởng, giảm cân nếu béo phì, thừa cân
Không ăn đồ ăn nhanh, đồ ăn liền, thực phẩm đóng hộp, chế biến sẵn
Tăng cường các loại rau củ quả trái cây, chế biến thành món salad, hấp luộc
- Tập luyện thể dục thường xuyên
Tạo thói quen tập thể dục mỗi ngày khoảng 30 phút
Lựa chọn môn thể thao phù hợp, vừa sức
Hoạt động thể dục thể thao thường xuyên giúp tăng cường lưu thông khí huyết, giải tỏa căng thẳng và áp lực cuộc sống
- Đi khám bác sĩ ngay khi xuất hiện các dấu hiệu bất thường và thực hiện đúng y lệnh của bác sĩ về chế độ thuốc men, nghỉ ngơi
- Sử dụng các thảo dược đông y giúp hỗ trợ phòng ngừa bệnh
Một số thảo dược giúp hạ mỡ máu, ngăn ngừa xơ vữa động mạch như lá sen, giảo cổ lam, nấm linh chi, chè vằng
Một số thảo dược có tác dụng hoạt huyết tăng cường lưu thông máu như gai đỏ ngọn, tam thất, đương quy.