ĐÁI THÁO ĐƯỜNG BẮT BUỘC DÙNG INSULIN ĐÚNG HAY SAI?
Đái tháo đường là căn bệnh đang ngày càng gia tăng và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe. Chính vì vậy mục tiêu hàng đầu là kiểm soát đường máu để ngăn bệnh tiến triển và hạn chế biến chứng. Vậy có phải bắt buộc dùng insulin để tiêm không? Hay điều trị đái tháo đường như thế nào?
1. Tìm hiểu bệnh đái tháo đường
- Khái niệm
Đái tháo đường là một bệnh rối loạn chuyển hóa mạn tính với đặc điểm lượng đường máu tăng cao hơn mức bình thường. Nguyên nhân có thể do sự thiếu hụt hoặc đề kháng insulin dẫn đến rối loạn chuyển hóa đường máu.
- Phân loại
Đái tháo đường chia làm 2 tuýp chính. Ngoài ra còn có đái tháo đường thai kì xảy ra khi mang thai
Đái tháo đường tuýp 1: xảy ra khi tuyến tụy sản xuất rất ít hoặc không sản xuất ra insulin khiến đường máu tăng cao. Thường gặp ở những người trẻ tuổi, có thể do di truyền, do bệnh tự miễn gây ra.
Các tổn thương ở tụy có thể diễn ra trong vài năm nhưng các triệu chứng của bệnh đái tháo đường thường xuất hiện khá rầm rộ chỉ sau 1 vài tuần như gầy sút cân nhanh, mệt mỏi, tiểu nhiều, khát nhiều, ăn nhiều, uống nhiều
Đái tháo đường tuýp 2: Trong thể bệnh này tuyến tụy vẫn sản xuất ra insulin bình thường nhưng insulin hoạt động không hiệu quả, khiến đường không nhập được vào cơ quan đích và làm tăng đường máu.
Thể bệnh này thường diễn biến âm thầm trong nhiều năm, hay gặp ở người trung niên và lớn tuổi có các yếu tố nguy cơ như béo phì thừa cân, lối sống tĩnh tại, lười vận động, ăn nhiều đồ béo ngọt chiên xào…
2. Có bắt buộc dùng insulin điều trị đái tháo đường hay không?
Không phải bệnh nhân nào cũng cần dùng insulin để điều trị đái tháo đường. Trong nhiều trường hợp có thể cải thiện chế độ ăn uống sinh hoạt và sử dụng các loại thuốc uống hỗ trợ giảm hấp thu đường, giảm đường máu… là có thể kiểm soát được bệnh.
- Các đối tượng bắt buộc dùng insulin:
Bệnh nhân mắc đái tháo đường tuýp 1: hoàn toàn phụ thuộc insulin và phải tiêm insulin suốt cuộc đời
Bệnh nhân đái tháo đường thai kì: dùng insulin kiểm soát đường máu trong lúc mang thai
Bệnh nhân đái tháo đường tuýp 2 không kiểm soát được đường máu dù áp dụng ăn uống tập luyện và chế độ thuốc uống (Glucose máu > 14 mmol/l và HbA1c >11%)
Bệnh nhân đái tháo đường tuýp 2 mới phát hiện nhưng trong tình trạng cấp cứu vì đường máu tăng quá cao, hoặc xuất hiện các biến chứng nhiễm toan ceton, tăng áp lực thẩm thấu
Bệnh nhân đái tháo đường tuyp 2 đang bị nhiễm trùng nặng, đang cần can thiệp ngoại khoa, hoặc bị suy gan, suy thận….
Như vậy bệnh đái tháo đường có dùng insulin hay không phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Để kiểm soát đường máu thì bệnh nhân phải tuân thủ hướng dẫn của y bác sĩ, kết hợp tất cả các phương pháp điều trị cùng lúc. Việc giảm cân, duy trì cân nặng lý tưởng, ăn nhiều rau xanh, vận động thể lực rất tốt cho bệnh nhân đái tháo đường.