DƯỠNG SINH THUẬN THEO NHỊP SINH HỌC CỦA CƠ THỂ
Tất cả các hoạt động sinh lý của con người đều có tính chu kỳ, tính quy luật. Chúng ta phải kiên trì sinh hoạt có quy luật, ăn uống hợp lý thì cơ thể mới khỏe mạnh, kéo dài tuổi thọ. Quy luật tính chu kỳ hoạt động sinh lý của con người được gọi là đồng hồ sinh học. Đồng hồ sinh học loạn nhịp thì sẽ làm các hệ thống cơ quan trong cơ thể mất cân đối, cuối cùng là dẫn tới bệnh tật. Đối với người cao tuổi càng nên tìm ra đồng hồ sinh học cho bản thân, sau đó sinh hoạt theo quy luật này. Thức dậy, đi vệ sinh, ăn sáng, hoạt động, nghỉ trưa, uống nước, rèn luyện, ngủ… đều phải sắp xếp theo thứ tự nhất định, hình thành phản xạ có điều kiện. Như vậy mới giúp cho cơ thể khỏe mạnh, kéo dài tuổi thọ.
Nhưng làm thế nào để điều chỉnh tốt đồng hồ sinh học của bản thân, nắm vững được thời gian tốt nhất. Bạn có thể tham khảo thời gian biểu này hoặc căn cứ vào thể trạng của bản thân để có thể sắp xếp tốt mỗi bước.
- Đại tiện: Theo các chuyên gia tiêu hóa, thời gian lý tưởng nhất để đi đại tiện là vào buổi sáng, lúc 5-7 giờ. Nguyên nhân được giải thích là do vào ban đêm chúng ta nghỉ ngơi nhưng đây lại là thời điểm hệ tiêu hóa thực hiện hoạt động phân hủy thức ăn mạnh mẽ nhất. Vì vậy, chúng ta thường cảm thấy “buồn” ngay sau khi thức dậy. Tuy nhiên ở thời điểm này, nhiều người hay nhịn nên lâu dần sự hoạt động bình thường của hệ tiêu hóa bị thay đổi và chúng ta không còn cảm thấy muốn đi đại tiện vào buổi sáng hôm sau. Nếu muốn bảo vệ sức khỏe, tốt nhất nên luyện tập để “xả” ngay khi thức dậy. Khung giờ này là thời điểm thải độc tốt nhất của ruột để bắt đầu một ngày mới tràn đầy năng lượng. Để luyện tập đi đại tiện đúng giờ có thể sử dụng các phương pháp như uống nước nóng, thức dậy sớm hơn một chút, đi bộ, massage vùng đáy chậu, kê một chiếc ghế dưới chân khi đi cầu, bổ sung chất xơ vào thực đơn ăn uống…
- Ăn sáng: Bữa sáng là bữa ăn quan trọng nhất trong ngày. Nếu không ăn sáng, tình trạng đói có thể gây hại cho việc duy trì chức năng não dẫn đến tình trạng kém linh hoạt và nhanh nhạy. Bỏ bữa sáng đồng nghĩa với việc bữa trưa sẽ nạp nhiều năng lượng hơn, dẫn đến cơ quan tiêu hóa phải làm việc quá tải, sự hấp thu không hiệu quả, cơ thể rơi vào trạng thái mệt mỏi.
- Vận động: Thời điểm lý tưởng để tập thể dục là buổi sáng hoặc chiều muộn, kết hợp với hít thở không khí trong lành. Nên lựa chọn những nơi yên tĩnh, ít ồn ào, nhiều cây xanh như công viên để luyện tập.
- Tắm: Nên tắm trước khi đi ngủ nhưng tốt nhất là tắm buổi sáng, giúp sảng khoái và tỉnh táo tinh thần.
- Đánh răng: Trong khoảng 3 phút sau khi ăn. Vì sau khi ăn cơm 3 phút thì vi khuẩn trong khoang miệng bắt đầu phân tán trong các kẽ răng, những chất có tính trong acid trong thức ăn rất dễ gây sâu răng.
- Ngủ: Trước 10 giờ tối là tốt nhất. Nên dành 15 phút ngủ trưa để giúp đầu óc thư thái hơn.
- Chăm sóc da: Trước khi đi ngủ buổi tối.
- Uống trà: 1 giờ sau khi ăn cơm. Khi vừa mới ăn cơm xong mà uống trà thì những chất có trong lá trà sẽ gây trở ngại cho quá trình hấp thu và tiêu hóa thức ăn.
- Uống sữa: Nửa giờ trước khi đi ngủ
- Trái cây hoặc nước hoa quả: Một giờ trước khi ăn cơm. Không ăn vào buổi tối hoặc ăn cùng hoặc ngay sau bữa chính vì có thể làm chậm quá trình tiêu hóa hoặc gây đầy bụng.
- Học tập: Sáng sớm khi thức dậy sẽ có hiệu quả tốt nhất.
Thời gian biểu trên đây không phải là tuyệt đối, mỗi người nên dựa theo thể trạng của bản thân để sắp xếp cụ thể, chỉ cần bản thân có thể thích ứng, có cảm giác thoải mái là được. Quan trọng nhất là phải tìm ra đồng hồ sinh học của bản thân, kiên trì sinh hoạt có quy luật, đặc biệt là đối với người cao tuổi.
Các giai đoạn cần thận trọng trong chu kỳ sinh học của cơ thể con người
Cơ thể con người có một số giai đoạn rất dễ gặp phải những vấn đề sức khỏe không tốt. Trong giai đoạn này, cơ thể sẽ rất dễ mắc bệnh, thậm chí nguy cơ tử vong cũng cao.
Cơ thể con người cứ khoảng 7 năm là một chu kỳ. Giai đoạn chu kỳ bắt đầu thì hệ thống bài tiết trong thần kinh tốt, tinh lực tràn trề. Đến thời kỳ cuối của chu kỳ thì lại thoái giảm tới mức thấp nhất, đến chu kỳ lại hồi phục lại. Tuổi 73 hay 84 đều là khi vừa mới bước vào thời kỳ cuối của chu kỳ. Hơn nữa thể chất người già vốn yếu, sức đề kháng kém, cho nên giai đoạn này mới trở thành “hố trũng” của người già.
Cuộc đời con người có nhiều chu kỳ và trong một năm cũng có tính chu kỳ. “Hố trũng” của một năm là để chỉ mùa đông, mùa hạ. Đó chính là mùa phát các bệnh có thể gây tử vong và tỷ lệ tử vong cao hơn bình thường 1-5 lần. Trong 1 tuần cũng có tính chu kỳ, thậm chí tính chu kỳ cũng tính theo ngày. Ví dụ trong 1 tuần thì thứ hai thường được coi là thứ hai đen tối. vì vào ngày này tỷ lệ phát những bệnh như trúng gió, máu não đều cao hơn những ngày khác 40%. Khi đến ngày chủ nhật thì tỷ lệ này giảm xuống đến mức thấp nhất. Còn trong một ngày thì từ 6 tới 10 giờ cũng là “hố trũng”, vì trong thời gian này, con người từ trạng thái ngủ sang trạng thái hoạt động, lượng oxy tiêu hao tăng từ 1,7-3 lần, hơn nữa huyết áp lại tăng cao, dễ gây các bệnh trúng gió hay tim mạch. Cơ tim co khoảng 28% trong giai đoạn này.
Trong giai đoạn này cần tiến hành những hoạt động thích hợp. Sau khi bước vào tuổi trung niên, một phần cơ năng của cơ thể và khả năng miễn dịch bắt đầu bị suy giảm, những người không hoạt động thể chất hay ngồi, nằm nhiều thì sự suy giảm này diễn ra nhanh hơn. Hoạt động vận động thích hợp có thể giúp tăng cường chức năng miễn dịch, thúc đẩy bài tiết và các hoạt động của hệ thần kinh, dạ dày, phổi, não, tim… Ngoài ra còn thúc đẩy tỷ lệ cholesterol trong máu cân bằng.
Đối với người trung nhiên, người cao tuổi thì nên duy trì vận động nhẹ nhàng 30 phút mỗi ngày. Vận động là phương pháp quan trọng và có hiệu quả cao trong việc bảo vệ sức khỏe. Tuy nhiên, sự vận động cần được duy trì với cường độ hợp lý và khoa học, nếu vận động quá sức lại gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng hơn, làm giảm hiệu quả của việc luyện tập và dẫn đến những hệ lụy tiêu cực cho sức khỏe.
Vận động như thế nào để cân bằng nhịp sinh học của cơ thể?
Thông thường, thời gian luyện tập nên kiên trì từ 30 phút trở lên. Nếu vận động quá ít, có thể tiêu hao một chút lượng đường trong máu nhưng lại không tiêu hao được lượng mỡ, không đạt được hiệu quả tăng cường chức năng của tim phổi. Việc vận động cần được tiến hành thường xuyên, lâu dài, tối thiểu một tuần năm lần. Bình thường sau khi vận động thì cơ thể sẽ ra mồ hồi, nhịp tim, nhịp hô hấp nhanh hơn, cơ thể nghỉ khoảng 5-6 phút mới khôi phục.
Ngoài vận động thể chất, một phương pháp rất đặc biệt khác để dưỡng sinh, đó là “phương pháp điều hòa hô hấp”, điều tiết cơ năng bên trong cơ thể. Động tác chủ yếu là nhằm thẳng hoặc ngồi tính lặng, từ từ hít một hơi thật sau để cho phổi tràn đầy không khí, bụng thì co lại. Sau đó lại từ từ thở một hơi ra đến khi trong phổi hoàn toàn rỗng khí. Mỗi ngày luyện từ 10-30 phút có thể giúp cải thiện hoạt động não, thúc đẩy quá trình trao đổi chất, giúp điều chỉnh cân bằng nhịp tim và huyết áp, cải thiện có hiệu quả chức năng của tim phổi. Phương pháp này giúp cho tinh thần thoải mái, cơ thịt được thư giãn, giảm bớt lo lắng, căng thẳng, có hiệu quả trong việc phòng chữa các bệnh.
Như vậy, muốn có một sức khỏe tốt chúng ta cần phải sinh hoạt, ăn uống, nghỉ ngơi có quy luật. Đối với người cao tuổi, ngoài việc thực hiện nghiêm túc đồng hồ sinh học của mình còn phải chú trọng tới một số khoảng thời gian đặc biệt, luyện tập đúng giờ để có cuộc sống khỏe mạnh, kéo dài tuổi thọ.
DS. Lê Hằng