TẬP LUYỆN KHÍ CÔNG DƯỠNG SINH CHỮA BỆNH ĐÁI THÁO ĐƯỜNG
Trong điều trị bệnh đái tháo đường, chế độ luyện tập và chế độ ăn đóng vai trò rất quan trọng. Với quan điểm dựa trên học thuyết “thiên nhân hợp nhất” tức là con người có khởi nguồn từ tự nhiên, sống và phát triển cùng với tự nhiên. Bởi vậy tập luyện khí công dưỡng sinh chữa bệnh đái tháo đường cũng là một liệu pháp thuận theo tự nhiên, an toàn và đem lại hiệu quả chữa bệnh rất tốt.
1. Bệnh đái tháo đường và lối sống tĩnh tại
Bệnh đái tháo đường là một bệnh chuyển hoá, thường có liên quan đến việc ăn uống quá nhiều chất béo và tinh bột, lối sống tĩnh tại ít vận động, áp lực tâm lý. Đặc biệt là lối sống tĩnh tại là nguyên nhân quan trọng dẫn đến các bệnh rối loạn chuyển hóa, lượng Calo và các chất đưa vào cơ thể quá dư thừa so với lượng cần thiết của cơ thể mà gây ra bệnh.
Qua nghiên cứu dịch tễ các nhà khoa học nhận thấy ở những người có tập thể dục đều đặn 3 - 5 lần mỗi tuần giảm trên 50% nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường với những người chỉ tập luyện 1 lần mỗi tuần. Luyện tập thể lực có tác dụng sẽ giúp cơ thể tiêu thụ Glucose dễ dàng hơn, giảm đường máu, tăng tiêu hao Calo, giảm trọng lượng cơ thể, lưu thông khí huyết, chống căng thẳng thần kinh do đó kiểm soát được đường huyết và giảm được các biến chứng của bệnh đái tháo đường
Còn theo dong y bệnh đái tháo đường thuộc phạm vi chứng tiêu khát. Chứng tiêu khát có liên quan đến sự rối loạn công năng của nhiều tạng phủ khác nhau như Tỳ, Vị, Phế, Thận. Lối sống tĩnh tại, không vận động sẽ gây ra rối loạn khí cơ, kinh lạc không thông sướng, ảnh hưởng đến khí huyết, tân dịch, kinh lạc, tạng phủ mà gây ra bệnh.
Vì vậy, để phòng và kiểm soát bệnh đái tháo đường, ngăn ngừa các biến chứng xảy ra cần phải tập luyện thể lực, khí công dưỡng sinh, luyện ý, luyện thở, luyện hình, từ bỏ lối sống tĩnh tại.
2. Tập luyện khí công dưỡng sinh chữa bệnh tiểu đường
“Tinh – Khí – Thần” là tam bảo của con người, mà khí công dưỡng sinh là pháp giúp củng cố “Tinh – Khí – Thần” phát huy nội lực giúp cơ thể khỏe mạnh, tăng sức chống đỡ với bệnh tật. Bởi vậy, khí công, dưỡng sinh là một phương pháp phù chính khứ tà.
Tập luyện khí công, dưỡng sinh đặt tư tưởng “lấy khí làm gốc”, cần phải giữ vững nguyên khí để giữ gốc bền chắc, nâng cao chính khí để chống đỡ bệnh tật. Khí công, dưỡng sinh còn có tác dụng “luyện tinh hóa khí” làm tinh sung mãn, khí hóa ra khí, thần, giúp cơ thể khỏe mạnh.
Theo lý luận y học cổ truyền, khi âm dương mất thăng bằng thì bệnh tật phát sinh. Nguyên tắc chữa mọi bệnh tật đó là cân bằng âm dương mà khí công dưỡng sinh có khả năng điều tiết âm dương thông qua điều tiết khí huyết, kinh lạc, tạng phủ.
Các phương pháp luyện khí công, dưỡng sinh như tập thở, vận khí, tập thể lực… có tác dụng tăng cường công năng của ngũ tạng, bớt tư lự, giảm ham muốn, điềm đạm hư vô mà đạt được sự sung mãn của tinh để hóa khí, khí sung mãn để hóa thần, thần sung mãn để hoàn hư.
Dưới đây là một số phương pháp tập luyện sẽ giúp cho bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường kiểm soát ổn định đường huyết, chống biến chứng và nâng cao thể lực.
- Tập thể dục thể thao: Bệnh nhân cần lựa chọn môn thể dục thể thao phù hợp với khả năng và tình trạng sức khỏe của mình. Những lựa chọn như đi bộ, vẩy tay, đạp xe, cầu lông, bóng bàn, thái cực quyền, yoga… rất thích hợp cho bệnh nhân đái tháo đường. Bệnh nhân có thể tự luyện tập hoặc tốt nhất là tham gia những lớp học, những câu lạc bộ để có môi trường tập luyện tốt nhất.
- Tập thiền: Ngoài vận động thể lực, việc tập thiền cũng rất quan trọng trong việc phòng và chữa bệnh. Mỗi ngày bệnh nhân nên dành 10 – 30 phút để ngồi thiền. Tuy nhiên, việc ngồi thiền không quan trọng thời gian bao lâu mà quan trọng là thiền với tâm thư giãn, hư vô. Tư thế khi thiền là ngồi hoa sen, lưng thẳng ngay ngắn, chân xếp bằng đơn hoặc kép (giấu chân dưới hoặc bắt chéo phía trên), hai bàn tay đặt lên hai đầu gối.
- Tập thở: Là pháp dưỡng sinh mang đến nhiều lợi ích, biến năng lượng tự nhiên thành năng lượng sinh học để điều tiết thần kinh, lưu thông khí huyết, chống lại bệnh tật, phục hồi tổn thương. Mỗi ngày bệnh nhân nên dành 30 phút để tập thở. Trong khí công dưỡng sinh thì thở 4 thì là kỹ thuật cơ bản, sau đây là phương pháp thở 4 thì:
+ Thì 1: Hít vào từ từ bằng mũi, hít sâu, êm dịu kéo dài đến mức có thể chịu được (thường đếm từ 1 đến 5), đồng thời phình bụng ra. Lưu ý: Bụng và ngực phải căng lên cùng lúc.
+ Thì 2: Nín thở giữ hơi, thời gian bằng khi hít vào. Khi đó, cơ ức đòn chũm phải căng, các hõm ở cổ rõ rệt, bụng cứng.
+ Thì 3: Thở ra từ từ, êm nhẹ tự nhiên không thúc ép, đồng thời bụng thót vào hết cỡ, thời gian bằng thì 1.
+ Thì 4: Nín thở giữ hơi, thời gian bằng khi hít vào. Lúc này cả ngực, bụng, tứ chi đều mềm, lép xuống và có cảm giác ấm nóng.
Khi tập, bệnh nhân cần tưởng tượng có nguồn năng lượng (ánh sáng xanh) từ trên đỉnh đầu chạy dọc xuống 2 mạch Nhâm Đốc (dọc chính giữa cơ thể ở phía trước và sau) trở về Đan điền rồi lại đi lên. Có thể tập ở tư thế ngồi hoặc tư thế nằm ngửa, tốt nhất là nằm tư thế ngửa có kê mông (1 gối hoặc 2 gối), chân thẳng 1 tay để lên bụng, 1 tay để lên ngực.
- Tự làm những công việc chân tay nhẹ nhàng như quét nhà, lau chùi bàn ghế đồ đạc, tưới cây, nấu ăn, chăm sóc thú nuôi… cũng là một cách hoạt động thể lực.
Khi luyện tập cần phải chú ý những điểm sau:
- Xây dựng chế độ luyện tập phù hợp với tình trạng sức khỏe người bệnh.
- Nên tập các bài tập nhẹ nhàng, không nên quá sức, không nên tập quá sớm hoặc quá muộn.
- Cần phải có biện pháp chống hạ đường máu trong khi tập luyện.
- Không tập luyện khi đang mắc kèm theo các bệnh cấp tính, hay những biến chứng cấp tính của bệnh đái tháo đường.
Tiến sĩ - Lương Y: Phùng Tuấn Giang (Thọ Xuân Đường)
Quý vị cần tư vấn về sức khỏe vui lòng liên hệ nhà thuốc, các bác sĩ sẽ giúp bạn giải đáp những thắc mắc về bệnh, thuốc và quy trình khám chữa bệnh!
Hotline: 0943 406 995 hoặc 0937 63 8282