Thoái hóa đốt sống cổ là gì?
Đốt sống cổ là cơ quan trung chuyển giữa não và các bộ phận khác trên cơ thể con người. Cơ thể người gồm có 7 đốt sống cổ ký hiệu từ C1- C7. Từ đốt C2 - C7, giữa mỗi đốt sống có một lớp đĩa đệm (cấu thành từ 1 lớp bao xơ bên ngoài, mâm sụn, bên trong là nhân nhầy, vòng sợi). Xung quanh các đốt sống cổ là hệ thống các dây chằng, gân xơ.
Thoái hóa đốt sống cổ là biểu hiệu suy thoái của các đốt sống cổ, đặc trưng bởi tình trạng viêm và lắng đọng canxi trên dây chằng quanh các đốt sống. Hiện tượng này làm hẹp các lỗ sống (nằm ở 2 bên xương sống), cản trở sự lưu thông của các dây thần kinh và mạch máu bên trong.
Thoái hóa đốt sống cổ thường gặp ở người trung niên và cao tuổi do sự lão hóa của hệ thống xương khớp tự nhiên, cả nam giới và nữ giới đều có nguy cơ mắc bệnh này như nhau.
Triệu chứng điển hình của bệnh thoái hóa đốt sống cổ
Thoái hóa đốt sống cổ là bệnh tiến triển chậm nhưng rất nguy hiểm. Người bệnh trong thời gian đầu đều không biết do bệnh không có dấu hiệu hay triệu chứng cụ thể, chỉ tới khi bệnh tổn thương nặng hoặc làm việc quá mức dẫn tới cảm giác đau, hay nhức mỏi, khó vận động vùng cổ thường xuyên. Khi bệnh nặng dần, cảm giác đau buốt, khó chịu trở nên nghiêm trọng, các triệu chứng hay đau mỏi xuất hiện thường xuyên hơn thâm chí cả lúc nghỉ ngơi.
Những triệu chứng của thoái hóa đốt sống cổ thường gặp ở bệnh nhân:
Khó khăn khi thực hiện các động tác ở cổ ( nghiêng cổ hoặc xoay cổ…)
Thoái hóa đốt sống cổ khiến người bệnh rất khó thực hiện các động tác như xoay, nghiêng cổ do cảm giác đau, khó chịu, nếu vận động quá mạnh có thể gây vẹo cổ.
Đau vùng cổ
Đây là triệu chứng thoái hóa đốt sống cổ điển hình nhất, vùng đau bắt đầu từ gáy, lan sang tai, cổ, ảnh hưởng đến tư thể của vùng cổ và đầu. Cơn đau có thể đau lan lên nửa đầu và toàn bộ vùng đầu bao gồm vùng trán, vùng chẩm hoặc đau lan xuống vùng vai, cánh tay…
Hiện tượng cứng cổ (khó vận động cổ theo ý muốn)
Người bị thoái hóa đốt sống cổ thường có biểu hiện cứng cổ khi gặp thời tiết lạnh hoặc tư thế ngủ không tốt. Khi bị cứng cổ, bệnh nhân gần như không thể hoạt động hay tác động gì đến vùng cổ, hắt hơi hay ho sẽ gây nên những cơn đau nghiêm trọng.
Mất cảm giác ở tay
Thoái hóa đốt sống cổ không chỉ ảnh hưởng đến khu vực cổ mà còn ảnh hưởng đến các dây thần kinh đi xuống tay, gây mất cảm giác sờ, nắm vật của bàn tay, đôi khi sẽ gây tê liệt tạm thời cả cánh tay và bàn tay.
Triệu chứng Lhermitte- Thoái hóa đốt sống cổ đa xơ cứng
Bệnh nhân gặp phải cảm giác khó chịu đột ngột, cảm giác như có một luồng điện chạy dọc từ cổ xuống xương sống, cảm giác có thể lan xuống cả cánh tay, ngón tay, ngón chân. Triệu chứng Lhermitte có thể xuất hiện đột ngột, sẽ nặng hơn nếu bạn cúi cổ về phía trước.
Nguyên nhân gây nên thoái hóa đốt sống cổ
Hoạt động sai tư thế
Hoạt động sai tư thế là nguyên nhân quan trọng, trong đó bao gồm cả việc ít vận động hay làm việc kéo dài giữ nguyên 1 tư thế hoặc làm công việc phải vận động quá nhiều. Do vậy, thoái hóa đốt sống cổ thường gặp ở những bệnh nhân hay ngồi làm việc trong thời gian dài, công việc yêu cầu cúi ngửa nhiều hoặc bê vác các vật nặng trêu đầu, vai.
Đặc biệt ở giới trẻ ngày nay, thoái hóa đốt sống cổ chủ yếu do ít vận động, sử dụng máy tính nhiều trong thời gian dài liên tục. Bên cạnh đó, máy tính để không đúng cách làm tư thế khi ngồi làm không đúng như: Để máy quá thấp hoặc quá cao, đặt tay trên bàn làm việc, giữ nguyên tư thể trong thời gian dài khiến vùng cổ - vai - gáy không được vận động, vị trí ngồi quá thấp so với bàn làm việc… những thói quen trên làm ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe và khả năng vận động.
Thói quen sinh hoạt thiếu lành mạnh
Chế độ ăn uống thiếu lành mạnh như: ăn uống không điều độ, không đúng giờ, chế độ dinh dưỡng thiếu hụt, không đủ chất dinh dưỡng, giảm hàm lượng canxi, vitamin, magie… cũng là nguyên nhân gây nên thoái hóa đốt sống cổ sớm.
Ngoài ra, thói quen sinh hoạt thiếu lành mạnh như: Mang vác vật nặng trong thời gian dài gây nên các tác động mạnh vùng cổ,vai, gáy; lạm dụng bia rượu, thuốc lá, kê gối quá cao khi đi ngủ, trong lúc ngủ sai tư thế… là những nguyên nhân tác động xấu đến các đốt sống cổ gây nên bệnh thoái hóa.
Các bệnh lý đốt sống cổ thường gặp
Những thay đổi của các đốt sống cổ (xương, sụn, bao hoạt dịch…) cũng gây nên tình trạng thoái hóa, do vậy những người mắc các bệnh lý sau cũng dễ bị thoái hóa đốt sống cổ hơn:
- Mất nước đĩa đệm: Đĩa đệm với hệ thống xương khớp có vai trò là một miếng lót giữa các đốt sống. Theo tuổi tác hoặc chế độ dinh dưỡng không phù hợp, đĩa đệm sẽ có xu hướng co lại, khô hơn, khiến các đốt sống tiếp xúc gần nhau hơn gây nên thoái hóa.
- Gai xương: Thoái hóa đĩa đệm gây nên tình trạng thúc đẩy quá trình sản sinh xương, gây nên gai xương, gai xương lại vô tình chèn ép các tủy sống và dây thần kinh 2 bên gây ra thoái hóa.
- Thoát vị đĩa đệm: Vết nứt xảy ra ở đĩa đệm gây nên bệnh thoát vị, ảnh hưởng đến tổ chức dây thần kinh và rễ thần kinh cũng là nguyên nhân gây nên thoái hóa đốt sống cổ.
- Xơ hóa dây chằng: Dây chằng là phần nối các đốt sống với nhau để cổ định, theo tuổi tác hoặc do tổn thương, dây chằng có thể bị xơ hóa, suy giảm chức năng. Đây cũng là một trong số các nguyên nhân khiến các khớp cổ hoạt động kém linh hoạt, gây nên thoái hóa.
Điều trị Thoái hóa đốt sống cổ
Điều trị thoái hóa đốt sống cổ theo y học hiện đại
Hiện nay với trường hợp thoái hóa các đốt sống cổ, khi đi khám Tây y, bệnh nhân có thể được các bác sĩ kê các loại thuốc điều trị triệu chứng giảm đau, giảm viêm tùy vào thể trạng và bệnh chứng. Tuy nhiên, các loại thuốc này thường có nhiều tác dụng phụ lên gan, thận, dạ dày. Bệnh nhân cần được thăm khám và chỉ định sử dụng thuốc phù hợp. Không được lạm dụng thuốc giảm đau, không tự ý dùng thuốc để tránh các tác dụng phụ không mong muốn. Sau đây là các nhóm thuốc Tây y dùng để điều trị thoái hóa đốt sống cổ bạn có thể tham khảo:
- Thuốc giảm đau: Thông thường là Paracetamol với hàm lượng vừa phải so với tình trạng bệnh (chiều cao, cân nặng…) thường dùng với những bệnh nhân mới tới khám hoặc mới phát hiện bệnh.
- Thuốc kháng viêm, giảm đau NSAID: Dùng trong trường hợp các thuốc giảm đau đơn thuần không còn hiệu quả, liều dùng thấp và ngắn ngày.
- Corticoid: Khi dùng đến các thuốc thuộc nhóm này bệnh nhân và bác sĩ cần thận trọng trong khi sử dụng vì các tác dụng phụ khi lạm dụng quá nhiều.
- Nhóm thuốc làm chậm quá trình thoái hóa như Glucosamine…
Điều trị thoái hóa đốt sống cổ theo y học cổ truyền
Phương pháp điều trị dùng thuốc đông y
Các bài thuốc cổ phương như độc hoạt tang ký sinh, hữu quy hoàn… tùy vào tình trạng bệnh bác sĩ sẽ đưa ra phương thuốc và gi giảm phù hợp với bệnh lý bạn gặp phải.
Thủy châm: Sử dụng thuốc vitamin B1, B12… sử dụng phương pháp thủy châm, châm thẳng vào các huyệt được bác sĩ chỉ định để làm tăng dẫn truyền thần kinh.
Phương pháp điều trị không dùng thuốc
- Xoa bóp bấm huyệt: Bấm hoặc day theo phác đồ điều trị các vùng huyệt cổ vai gáy như phong trì, phong phủ, thiên tông, thiên trụ, kiên tỉnh, đại trữ, đai chùy, phế du…
- Châm cứu: theo phác đồ điều trị của bác sĩ như Kiên tỉnh, thiên trụ, kiên ngung, đại chùy, kiên trinh…
- Cấy chỉ: Chôn một đoạn chỉ tự tiêu vào các huyệt để điều trị theo phác đồ điều trị của bác sĩ.
- Nắn chỉnh cột sống: Với những trường hợp xuất hiện cong vẹo, biến dạng cột sống cần tác động nắn chỉnh lại vị trí của xương sống.
Vị trí các huyệt thường dùng:
- Phong trì: Nằm ở sau gáy, là góc lõm giữa bờ trong đòn chũm và bờ ngoài cơ thang (ở cả 2 bên cơ thang đằng sau gáy).
- Phong phủ: Nằm giữa 2 huyệt phong trì (điểm tiếp xúc với đáy hộp sọ).
- Thiên tông: Nằm ở bả vai, vị trí lõm nhất giữa xương vai.
- Thiên trụ: Từ chân tóc đo lên khoảng 0,5 tấc đo ngang sang 2 bên là vị trí huyệt thiên trụ.
- Kiên tỉnh: Nằm ở trên vai, từ đốt sống cổ thứ 7 ( đốt sống cổ to nhất mà mắt thường nhìn thấy) đến chỗ lõm của vai là 1 đường thẳng, điểm giữa đường thẳng này là huyệt kiên tỉnh.
- Đại trữ: đốt sống ngực đầu tiên đo sang 2 bên 1,5 tấc là đại trữ.
- Đại chùy: Tên gọi khác là Bách lao, Đại bao, Thượng phủ. Vị trí nằm ngay giữa chỗ lõm dưới đốt sống cổ thứ 7.
- Phế du: Nằm phía dưới gai đốt sống lưng thứ 3 đo ra hai bên 1,5 tấc
- Kiên ngung: Nằm chỗ lõm trước và dưới trên mỏm vai có tên gọi khác là Kiên cốt, Biên cốt, Thượng cốt, Thiên cốt, Ngưng tiêm, Thiên kiên, Trung kiên tỉnh.
- Kiên Trinh: Nằm đằng sau huyệt kiên ngung, phía sau xương bả vai.
Kết Luận
Thoái hóa đốt sống cổ là bệnh không hiếm gặp, đặc biệt ở người cao tuổi và hiện đang có xu hướng trẻ hóa lứa tuổi mắc bệnh, nếu bạn đọc có những triệu chứng rõ rệt như trong bài viết nên tới các cơ sở y tế sớm để được thăm khám và điều trị kịp thời, tránh để bệnh nặng gây khó khăn hơn trong quá trình điều trị và ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống hàng ngày.
DS. Hoàng Long (Thọ Xuân Đường)