PHÒNG CHỐNG UNG THƯ BẰNG CÁCH BỔ SUNG CHẤT CHỐNG OXY HÓA
TĂNG CƯỜNG ĂN RAU CỦ QUẢ
Bài đăng Tạp chí Người Cao tuổi số 79 (3432) ngày 21/4/2023
Lợi ích của rau củ quả trong phòng chống bệnh chính là “thành tích tập thể”, không chỉ là thành tích của riêng một chất chống oxy hóa nào, mà là của cả trăm loại chất chống oxy hóa có trong đó. Ngoài ra, còn phải kể thêm sự đóng góp công sức ít nhiều của các vitamin, khoáng và chất xơ đi kèm. Ăn rau củ quả có thể giúp chúng ta phòng chống bệnh ung thư cũng như các bệnh tật khác bằng cách cung cấp các chất chống oxy hóa.
Gốc tự do là gì?
Trong cơ thể thường xuyên xảy ra phản ứng oxy hóa, có thể gọi là đem “đốt cháy” những phân tử do thực phẩm đem vào hoặc do phân rã tế bào già nua... để tạo năng lượng. Quá trình oxy hóa không phải lúc nào cũng suôn sẻ, nên đôi lúc tạo ra các gốc tự do. Gốc tự do là những nguyên tử hay phân tử bị mất đi một điện tử ở lớp vỏ ngoài cùng. Các gốc tự do này không ổn định, luôn “thèm khát” electron, điên cuồng tấn công vào bất cứ chất gì nó gặp để chiếm đoạt cho bằng được electron.
Những phân tử khác trong tế bào đang yên ổn, tự dưng lại bị “cướp” electron cũng nổi “cơn điên cuồng” đi cướp electron của phân tử khác, và cứ thế phá hoại đây chuyền, gây thiệt hại cho cơ thể trước mắt hoặc về lâu dài.
Thực phẩm không có gốc tự do, nhưng khi chúng ta ăn vào, cơ thể sẽ phân cắt, chuyển hóa chúng, quá trình này có thể tạo ra các gốc tự do.
Các tác nhân bên ngoài cũng làm gia tăng một lượng lớn gốc tự do như tia tử ngoại, ô nhiễm không khí, khói thuốc lá, nhiễm phóng xạ...
Các gốc tự do là nguyên nhân gây tổn thương tế bào, protein, DNA... và dẫn tới các bệnh lão hóa, Alzheimer, tim mạch... và thậm chí là bệnh ung thư.
Làm thế nào để chống lại các gốc tự do?
Cơ thể chúng ta cũng tổng hợp được những chất để vô hiệu hóa gốc tự do, đó là chất chống oxy hóa. Những chất này hiến tặng electron cho các gốc tự do hung hãn để dập tắt cơn thèm khát của chúng.
Thực ra, nhóm gốc tự do không phải là gây hại hoàn toàn. Chúng cũng có mặt lợi như g1úp cơ thể phòng vệ, thông qua hệ miễn dịch, tấn công vào các vi khuẩn, virus gây hại.
Nhóm gốc tự do và chất chống oxy hóa hình thành tự nhiên trong cơ thể người trong quá trình sinh trưởng của tế bào. Bình thường thì các nhóm gốc tự do và chất chống oxy hóa trong cơ thể cân bằng giúp cơ thể hoạt động ổn định.
Tuy nhiên, các chất chống oxy hóa thường thiếu hụt và suy giảm theo tuổi tác. Khi sự cân bằng này không còn nữa, lượng gốc tự do trong cơ thể tăng lên bất thường, chúng sẽ tấn công vào tế bào gây nguy hiểm cho sức khỏe về lâu dài.
Có phải mọi người sẽ thắc mắc rằng các chất chống oxy hóa hiến tặng electron cho những gốc tự do xong rồi chúng có trở thành kẻ hung hãn hay không?
Câu trả lời là những chất chống oxy hóa này tuyệt vời ở chỗ tặng electron cho kẻ dữ để “cải hóa” chúng, mà bản thân vẫn hiền lành tử tế. Những chất chống oxy hóa “chuyên trị” đó có nhiều trong thực phẩm mà chúng ta ăn hằng ngày.
Có rất nhiều loại chất chống oxy hóa khác nhau, lợi ích của chúng cũng khác nhau, chẳng hạn vitamin C, vitamin E, β-carotene, các chất thuộc nhóm carotenoid, favonoids, phenols, polyphenols... Thậm chí các khoáng như selen, magan cũng có tính chống oxy hóa.
Đa số các chất trên đều có trong các loại rau củ quả, nhất là các loại có màu sắc đậm. Mỗi loại rau củ quả đều có cả trăm loại chất chống oxy hóa khác nhau, tạo ra lợi ích nổi bật của thực vật đó.
Có nên uống vitamin bổ sung để chống oxy hóa?
Vitamin C và vitamin E là những chất chống oxy hóa có sẵn trên thị trường với giá rẻ.
Vitamin C thường được dùng phòng chống cảm cúm thông thường. Dù vitamin C là loại tan trong nước, nên dễ đào thải, nếu lỡ dùng hơi nhiều cũng không đến nỗi có hại.
Vitamin E thì nhiều công dụng như ngăn ngừa ung thư, chống lão hóa, cải thiện trí nhớ, ngăn ngừa các bệnh Alzheimer, Parkinson... Vitamin E là loại tan trong dầu, uống nhiều có thể gặp phản ứng phụ.
Vì vậy, việc bổ sung các loại vitamin tốt nhất nên theo chỉ định của bác sĩ mà không nên tự ý sử dụng.
Người ta bắt đầu chú ý đến các chất chống oxy hóa cách đây khoảng 20 năm, khi khoa học có bằng chứng rằng các gốc tự do có liên quan đến giai đoạn đầu của các bệnh động mạch vành, ung thư, thoái hóa điểm vàng... Nhiều nghiên cứu cho thấy, ăn nhiều rau quả giàu chất chống oxy hóa có thể giúp ngăn ngừa các bệnh này.
Có cả hàng ngàn chất chống oxy hóa khác nhau, có đặc tính hóa học và sinh học riêng. Khoa học vẫn chưa hiểu hết cả ngàn chất chống oxy hóa này.
Trong thực phẩm, đặc biệt là rau củ quả, có cả vài trăm loại chất chống oxy hóa khác nhau, tạo ra những lợi ích độc đáo của loại thực phẩm đó, mà nếu chỉ tách riêng ra một loại chất chống oxy hóa nào trong rau củ quả, cho dù là chất nổi bật nhất, cũng chưa chắc đã có lợi ích gì.
Lợi ích của rau củ quả trong phòng chống bệnh chính là “thành tích tập thể” không chỉ là thành tích của riêng một chất chống oxy hóa nào, mà là của cả trăm loại chất chống oxy hóa có trong đó, cộng với sự đóng góp của các vitamin, khoáng và chất xơ đi kèm. Nếu quan tâm đến chất chống oxy hóa trong thực phẩm thì chúng ta nên ăn nhiều rau củ quả tươi. Vitamin E có nhiều trong dầu thực vật, bơ, đu đủ, rau cải... Vitamin C có nhiều trong ớt chuông, ổi, cam, chanh, bưởi... Các loại carotenoids có trong các loại rau quả có màu đỏ, cam, vàng, hoặc xanh đậm. Các loại polyphenols trong nhiều loại trái cây như táo, trà xanh, dâu tây, thảo dược... Các hợp chất allium có trong các loại hành, tỏi...
Tại Nhà thuốc Thọ Xuân Đường, bệnh nhân được đưa ra phác đồ điều trị cụ thể từ thuốc uống, vận động đến chế độ ăn hàng ngày, trong đó “Liệu pháp ẩm thực” được chú trọng. Bệnh nhân được cấc bác sĩ chuyên môn cao, tận tâm chăm sóc từ xa, sát sao để điều chỉnh mọi bất thường kịp thời. Nhiều bệnh nhân đạt kết quả tốt khi áp dụng công thức và phương pháp ăn uống tăng sức khoẻ, chữa tiểu đường và các bệnh chuyển dịch miễn hoá, với phương châm “Hãy để thức ăn là thuốc, đừng để thuốc là thức ăn của bạn”.
Link báo chí đưa tin:
TS. Lương y Phùng Tuấn Giang
Chủ tịch Viện Nghiên cứu Phát triển Y dược cổ truyền Việt Nam
Chủ tịch Tổ chức Quốc tế chữa bệnh bằng liệu pháp thiên nhiên tại Việt Nam
Chủ nhiệm Nhà thuốc Thọ Xuân Đường