CÂY QUẾ VÀ CÁC GIÁ TRỊ VỀ Y HỌC, TÂM LINH VÀ PHONG THUỶ
Mỗi loại cây sinh ra đều có một ý nghĩa nhất định, cây quế cũng vậy. Với hương thơm nồng đậm thích hợp làm gia vị chế biến nhiều món ăn, quế còn chứa nhiều dược chất quý dùng để chữa bệnh, cũng như mang rất nhiều ý nghĩa về tâm linh, phong thủy.
Quế là thực vật thuộc chi Cinnamomum, họ Long não (Lauraceae). Phân bố tập trung ở vùng nhiệt đới châu Á. Ở Ấn độ có 20 loài, Trung Quốc 12 loài, Việt Nam 40 loài, trong đó loài phổ biến nhất là Cinnamomum cassia Blume. Quế có nguồn gốc ở Việt Nam cách đây hơn 2000 năm, các triều đại phong kiến đã coi “Quế Giao Chỉ” như là một loại sản vật quý để trao đổi và làm cống phẩm (Giao Chỉ là tên nước Việt cổ).
Quế và giá trị y học
Vỏ quế chứa nhiều tinh dầu thơm được chứng minh là có tác dụng kháng khuẩn, kháng nấm, sát trùng, kháng vi rút, chống viêm, hạ sốt, chống oxy hóa, ngăn ngừa hóa học, độc tế bào, chống đái tháo đường, giảm lipid máu, chống co thắt, chống co thắt, chống kết tập tiểu cầu, lợi mật, kích thích miễn dịch, an thần.
Trong y học cổ truyền, tùy bộ phận dùng mà lại có tên gọi khác nhau. Phần vỏ thân có thịt dày sắc tía là Nhục quế, vỏ non ở cành nhánh là Quế chi, lớp ở trong lõi cây là Quế tâm, vỏ quế sắc xanh, thịt mỏng mà cuộn lại thành hình xoắn ốc gọi là Quan quế.
Trong đó, Nhục quế và Quan quế là 2 loại tốt nhất. 2 loại này có vị tân cam, tính đại nhiệt, không độc, tính thuần về dương. Vào phần huyết của can thận, bổ cho tướng hỏa ở Mệnh môn, thêm khí dương, tiêu khí ẩm, chữa được những chứng cực hàn, cực lãnh, có thể phát hãn, khơi thông mạch máu, trừ gió độc, khí lạnh ở dinh vệ, chỉ được mồ hôi vì hư mà tự ra. Trị được bệnh vì lạnh mà đau bụng và ho nghẽn khí kết. Nó lại đè được gió độc ở Can, giúp được tỳ thổ gây đau mắt, mắt đỏ, đau ở con ngươi. Bệnh Tỳ hư mà không thiết ăn uống, bệnh vì hơi ẩm nhiều quá mà tiết tả đều có thể dùng. Ngoài ra, nó còn có sức bổ chứng hư, làm cho mắt sáng, thông kinh nguyệt, trục thai hư.
Quế tâm vị khổ, tân tính ôn không độc, vào phần huyết có sức dẫn huyết, hóa mồ hôi, hóa mủ, tổng bỏ chất độc ung nhọt ra ngoài, thêm tính sáng mắt, tiêu huyết, mọc da non, bổ được chứng hư lao, làm ẩm lưng đùi, mạnh được gân xương. Chữa được những bệnh phong tý, trưng giả, nghẹn nấc, bụng đầy, bụng lạnh mà đau và các chứng tâm thống.
Quế chi vị tâm can, tính ôn quy kinh Thái âm phế, giải khí nóng ngoài bì phu. Chữa được chứng thương phong nhức đầu, trúng phong tự đổ mồ hôi, điều hòa dinh vệ khiến cho tà khí từ mồ hôi ra thì mồ hôi sẽ cầm. Cũng chữa được chứng vì gió độ mà đau tay chân, đau tay, đau ở sườn.
Quế và giá trị tâm linh, phong thủy
Về phong thủy, cây quế tượng trưng cho sự thịnh vượng, vinh hoa phú quý, giúp lợi cho gia chủ về đường quan lộc, thi cử. Người xưa thường có câu “nguyệt cung chiết quế” ý chỉ những người đỗ đạt vinh quang trong các kì thi khoa cử. Gia đình nào mà còn con cháu đạt công danh lớn, tiếng tăm lẫy lừng đều được gọi là “lan quế tề phương”, có ý nghĩa rằng lan quế cùng tỏa hương thơm.
Khi nói về sự thịnh vượng, chúng ta thường có xu hướng chỉ nghĩ đến sự sung túc, đầy đủ, dồi dào về vật chất. Tuy nhiên, sự thịnh vượng cũng có thể là sự cân bằng về cảm xúc và tinh thần và điều này cũng sẽ giúp ích cho việc tạo ra sự thịnh vượng về vật chất. Và mùi hương từ tinh dầu quế được cho là thu hút năng lượng thành công và truyền cảm hứng cho mọi lĩnh vực trong cuộc sống của chúng ta.
Về tâm linh, cây quế có tác dụng tiêu trừ tà khí. Người ta thường dùng nước đun với vỏ quế, thêm một số thảo mộc khác như hồi, thảo quả, đinh hương, bạch đàn để lau rửa ban thờ, cốc chén mỗi dịp cuối năm bao sái ban thờ, thay chân hương hoặc khi lập ban thờ mới. Hay khi xây nhà, đổ bê tông móng người ta cũng dùng nước quế để đổ vào 4 góc tường và tâm nhà để trấn trạch, khi bốc mộ, nước quế được dùng để rửa hài cốt.
Ngày nay, quế còn là một trong những thành phần quan trọng của các sản phẩm hương nhang thảo mộc, với nhiều công dụng trong cuộc sống; vừa mang ý nghĩa tâm linh, phong thủy, mang lại sự thuần phong mỹ tục; vừa có lợi cho sức khỏe và an toàn đối với người sử dụng.
Những việc làm này mang ý nghĩa tâm linh nhưng lại hoàn toàn dựa trên những căn cứ khoa học. Bởi lẽ trong quế chứa nhiều tinh dầu có tính kháng khuẩn kháng nấm rất cao. Việc đào móng hay bốc mồ mả có nguy cơ cao tiếp xúc với nhiều loại vi khuẩn có hại. Ngoài ra, tinh dầu quế còn có tính khử mùi, an thần. Khi tiếp xúc với mồ mả ít nhiều sẽ có cảm giác hoảng sợ, hoặc mùi khó chịu. Mùi hương từ tinh dầu quế sẽ giúp trấn tĩnh, thư giãn và che bớt mùi khó chịu xung quanh, tạo cảm giác an tâm hơn.
DS. Lê Hằng
Để được tư vấn chi tiết vui lòng liên hệ
NHÀ THUỐC ĐÔNG Y GIA TRUYỀN THỌ XU N ĐƯỜNG
Số 5 - 7 Khu tập thể Thủy sản, Ngõ 1 Lê Văn Thiêm, Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội.
Hotline: 0943986986 - 0937638282