Hội chứng ruột kích thích là gì?
Hội chứng ruột kích thích là bệnh lý được đặc trưng bởi sự rối loạn chức năng đường tiêu hóa liên quan đến hoạt động đại tiện, có thể là độ cứng của phân hay số lần đi đại tiện. Hội chứng ruột kích thích có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống do các triệu chứng mà nó gây ra ví dụ như táo bón, tiêu chảy, đầy hơi, đau bụng... Thông thường, hội chứng ruột kích thích được chẩn đoán sau khi đã loại trừ các bệnh lý thực thể, có tính chất nghiêm trọng như viêm đại tràng, ung thư, bệnh viêm ruột…
Nguyên nhân gây bệnh hội chứng ruột kích thích
Hội chứng ruột kích thích là bệnh lý rối loạn chức năng mà không có tổn thương thực thể, bệnh có nhiều yếu tố nguy cơ có thể dẫn đến như:
Các yếu tố cảm xúc: Do sinh lý bệnh của hội chứng ruột kích thích chủ yếu do rối loạn chức năng của trục não - ruột, cho nên yếu tố tâm lý sẽ là yếu tố chính tác động lên sự khởi phát và điều trị bệnh hội chứng ruột kích thích.
Các yếu tố sinh lý:
- Tăng độ nhạy cảm của ruột (tăng cảm giác đau nội tạng).
- Thay đổi nhu động ruột.
Tăng cảm giác đau nội tạng: Là sự quá mẫn cảm với mức độ căng giãn bình thường bên trong lòng ruột. Nó có thể là kết quả của quá trình điều chỉnh lại các con đường thần kinh ở trục ruột-não. Có một số trường hợp có thể xảy ra hội chứng ruột kích thích sau khi mắc một đợt bệnh cấp tính đường ruột, đây gọi là hội chứng ruột kích thích hậu nhiễm trùng. Tuy nhiên, vẫn có một số khác lại không có những tình trạng tương tự.
Thay đổi nhu động ruột: Khi nhu động ruột giảm thường gây ra tình trạng táo bón và ngược lại, khi tăng nhu động ruột thường gây ra tiêu chảy. Khảo sát một số bệnh nhân bị táo bón người ta thấy những bệnh nhân này có số lượng các cơn co thắt lan truyền biên độ cao ở vùng đại tràng ít hơn. Ngược lại, hoạt động quá mức của nhu động đại tràng sigma có thể làm trì hoãn quá trình vận chuyển trong táo bón chức năng.
Đau bụng sau ăn có thể là do phản xạ dạ dày-ruột tăng lên do sự tiếp xúc giữa đường ruột và thức ăn, làm tăng cảm giác đau tạng. Ăn mỡ có thể làm tăng tính thấm ruột và khởi phát tình trạng quá mẫn. Ăn các thức ăn giàu tinh bột lên men, đường và polyol (FODMAP), nó được hấp thu kém trong ruột non và có thể làm tăng khả năng di chuyển và tiết dịch của đại tràng.
Ở phụ nữ, sự biến đổi nội tiết tố ảnh hưởng đến chức năng của ruột. Độ nhạy cảm của trực tràng tăng lên trong thời kỳ kinh nguyệt nhưng không tăng trong các giai đoạn khác của chu kỳ kinh nguyệt.
Các yếu tố tâm lý xã hội:
Một số bệnh nhân có rối loạn lo âu hoặc một số rối loạn tinh thần khác. Đặc biệt, bệnh nhân có thể xuất hiện dấu hiệu trầm cảm nếu như hội chứng ruột kích thích diễn biến kéo dài mà không được điều trị thích đáng Một số bệnh nhân mắc hội chứng ruột kích thích dường như có hành vi bệnh lý khó chịu, phàn nàn về bệnh lý, đặc biệt là triệu chứng đau bụng. Trong đánh giá bệnh nhân hội chứng ruột kích thích, đặc biệt là những người có các triệu chứng kéo dài, bác sĩ nên khai thác, làm rõ các vấn đề tâm lý của người bệnh. Bởi vì các yếu tố tâm lý xã hội cũng có thể ảnh hưởng đến kết quả điều trị trong hội chứng ruột kích thích.
Triệu chứng hội chứng ruột kích thích
Hội chứng ruột kích thích có xu hướng bắt đầu ở tuổi thanh thiếu niên. Khởi phát ở tuổi trưởng thành cũng có thể có nhưng ít gặp hơn. Các triệu chứng thường khởi phát hoặc tái phát bởi thức ăn hoặc căng thẳng tâm lý.
Đau bụng: Bệnh nhân có triệu chứng đau bụng, thường gặp vùng bụng dưới, đau âm ỉ hoặc từng cơn, liên quan đến đại tiện (số lần đại tiện và độ cứng của phân). Tình trạng đau hoặc cảm giác khó chịu liên quan đến đại tiện thường có xu hướng xuất phát từ đường ruột; những trường hợp có liên quan đến tập luyện, vận động, đi tiểu tiện hay chu kỳ kinh thường có căn nguyên khác.
Rối loạn đại tiện: Bệnh nhân có thể có rối loạn đại tiện như táo bón và tiêu chảy xen kẽ hoặc là không. Hoặc có thể có biểu hiện đại tiện bất thường như mót rặn, khó đi, cảm giác đại tiện không hết, phân có nhầy máu hoặc có cảm giác căng hoặc chướng bụng, khó tiêu.
Triệu chứng toàn thân: Đau mỏi cơ, mệt mỏi, đau đầu mạn tính, rối loạn giấc ngủ,…
Cách tiếp cận toàn diện trong điều trị hội chứng ruột kích thích
Vì sinh lý bệnh của hội chứng ruột kích thích là kết hợp nhiều yếu tố, nên cần được đánh giá và điều trị toàn diện, sử dụng kết hợp nhiều phương pháp, bao gồm điều trị thuốc, liệu pháp tâm lý, thay đổi chế độ ăn.
Bài viết này tập trung tìm hiểu chế độ ăn FODMAP thấp, là chế độ ăn đã được chứng minh là làm giảm các triệu chứng ở những người bị hội chứng ruột kích thích.
Theo một số nghiên cứu cho thấy chế độ ăn FODMAP thấp có thể đưa đến những cải thiện đáng kể về cả chất lượng cuộc sống. Việc áp dụng sớm chế độ ăn FODMAP có thể làm giảm nguy cơ phải sử dụng thuốc cho bệnh nhân.
Chế độ ăn FODMAP không thực sự là chế độ ăn kiêng
Tác giả Chey giải thích rằng chế độ ăn kiêng FODMAP thấp thực sự là một chế độ ăn kiêng ba giai đoạn bao gồm giai đoạn loại bỏ FODMAP 2 đến 4 tuần, sau đó là giới thiệu lại dần dần các thực phẩm có chứa FODMAP riêng lẻ để xác định độ nhạy cảm của bệnh nhân và sau đó tự do hóa chế độ ăn uống trong giai đoạn cuối.
Chế độ ăn FODMAP ở bệnh nhân nhi
Chế độ ăn FODMAP cũng có thể áp dụng tương tự cho bệnh nhân nhi. Trong quá trình áp dụng, chúng ta có thể theo dõi và đánh giá mức độ đáp ứng của bệnh nhân đến đâu trong vòng 6 tuần để quyết định có tiếp tục áp dụng hay quay trở lại chế độ ăn thông thường.
Theo khảo sát và đánh giá thì chế độ ăn ít FODMAP cũng có thể có lợi cho các tình trạng tiêu hóa khác, bao gồm cả bệnh viêm ruột. Nếu như bệnh nhân đã được điều trị ổn định tình trạng viêm ruột nhưng vẫn còn tình trạng đau và rối loạn đại tiện thì việc hướng dẫn bệnh nhân thực hiện chế độ ăn FODMAP có thể giúp họ cải thiện được tình trạng này. Ngoài ra chế độ ăn FODMAP còn đáp ứng tốt với những bệnh nhân có triệu chứng đau và tiêu chảy.
Điều quan trọng trong chế độ ăn FODMAP
Các tiêu chí đề ra trong chế độ ăn FODMAP là loại trừ các thực phẩm có khả năng gây ra các triệu chứng đường tiêu hóa dựa trên việc theo dõi các triệu chứng khi áp dụng các thực phẩm trong chế độ ăn này. Từ đó xác định được chế độ ăn phù hợp cho bản thân mình. Vì trong hội chứng ruột kích thích, không phải bệnh nhân nào cũng có đầy đủ các triệu chứng như mô tả, vậy nên khi áp dụng chế độ ăn FODMAP, mỗi bệnh nhân cần phải có mục tiêu cho chính mình tùy thuộc theo triệu chứng đang có.
Chế độ ăn FODMAP là gì?
FODMAP là chế độ ăn ít các loại saccharide và cồn có thể lên men, ví dụ như: Fructose: là đường đơn có trong hoa quả, rau xanh và đường. Lactose: là carbohydrate có trong các sản phẩm từ sữa. Fructan: có trong các loại lúa mì spenta, lúa mì, lúa mạch đen và đại mạch. Galactan: có trong các cây họ đậu. Polyol: Các dạng dẫn xuất rượu của đường như xylitol, maltitol, sorbitol và mannitol, thường có trong một số loại hoa quả và rau củ, và thường được dùng làm chất làm ngọt.
Một số người khó có thể tiêu hóa được loại thức ăn này. Khi không được tiêu hóa, chúng sẽ đi đến đường ruột. Tại ruột, chúng tiếp xúc với vi khuẩn và là nguyên liệu để vi khuẩn sản xuất ra Hydro và gây ra các triệu chứng của đường ruột như chúng ta đã nên ở mục trước. Ngoài ra, các chất này còn làm tăng lượng chất lỏng trong lòng ruột do tăng tính thẩm thấu thành ruột gây nên tình trạng tiêu chảy.
Điều gì xảy ra khi chúng ta ăn theo chế độ FODMAP
Khi chúng ta ăn các thực phẩm thuộc nhóm carbohydrate chuỗi ngắn và polyol có khả năng lên men thì sẽ làm tăng sản xuất khí hydro. Tuy nhiên vi khuẩn tốt thường có xu hướng tạo ra khí mê-tan mà không phải tạo ra khí Hydro. Khi chúng sản sinh ra hydro, điều này có thể dẫn đến hiện tượng đầy hơi, đau bụng, chướng bụng và táo bón.
Lợi ích của chế độ ăn FODMAP
Khi áp dụng đế độ ăn ít FODMAP sẽ làm giảm tình trạng trung tiện, đầy bụng, tiêu chảy, táo bón, đau dạ dày, từ đó sẽ làm cải thiện vấn đề tâm lý cho bệnh nhân, vì vốn dĩ hội chứng ruột kích thích và tâm lý có quan hệ mật thiết với nhau..
Thực phẩm chứa nhiều đường đôi, đường đơn và polyols
- Trái cây: Táo, anh đào, mơ, quả mâm xôi lai, mâm xôi đen, lê, hoa quả đóng hộp, sung, chà là, dưa hấu, đào.
- Các chất làm ngọt: Mật ong, fructose, xylitol, xi rô bắp cao phân tử, maltitol, sorbitol.
- Các sản phẩm sữa: Sữa động vật, kem, sữa chua, pho mát tươi, thực phẩm chứa đạm whey.
- Rau củ: Măng tây, a-ti-sô, củ dền, bông cải xanh, súp lơ, cải bẹ trắng, tỏi, hạt thì là, tỏi tây, đậu bắp, nấm, đậu, hành, hẹ tây.
- Cây họ đậu: Đậu lăng, đậu thận đỏ, đậu gà, đậu nành.
- Lúa mì: Mì ống, bánh mì, các loại ngũ cốc ăn sáng, bánh quy.
- Đồ uống: Bia, rượu vang.
Những thực phẩm dùng trong chế độ ăn FODMAP
- Tất cả các loại thịt, cá và trứng.
- Tất cả các loại chất béo và dầu.
- Các loại thảo mộc và gia vị.
- Hạt và quả hạch: Hạt điều, hạnh nhân, hạt mắc ca, hạt thông, đậu phộng, hạt mè.
- Hoa quả: Việt quất, chuối, bưởi, dưa vàng, nho, kiwi, chanh, quýt, các loại dưa (trừ dưa hấu), cam, chanh dây, mâm xôi, dâu tây.
- Chất làm ngọt: Cỏ ngọt stevia, mật mía.
- Các sản phẩm sữa: Các sản phẩm từ sữa không chứa lactose.
- Rau: Ớt chuông, cà rốt, cỏ linh lăng, cải thìa, dưa chuột, cần tây, cà tím, đậu xanh, cải xoăn, rau diếp, củ từ, củ cải vàng, khoai tây, cà chua, củ cải đỏ, gừng, hành lá, bí ngòi, bí, khoai lang, cây củ cải, củ năng.
- Ngũ cốc: Ngô, yến mạch, gạo, diêm mạch, cao lương, sắn.
- Đồ uống: Nước, cà phê, trà…
Như vậy các thực phẩm có thể dùng trong chế độ ăn FODMAP khá đa dạng nên chúng ta có thể áp dụng nó mà không phải lo về vấn đề thiếu dinh dưỡng.
BS. Nguyễn Yến (Thọ Xuân Đường)