BỊ Ù TAI, ĐÃ CÓ NAM Y GIÚP BẠN!
Bài đăng báo Sức khỏe cộng đồng số 29 (79) ngày 25/09/2019
Ù tai là triệu chứng bệnh khá thường gặp ở nhiều lứa tuổi. Bệnh nhân luôn cảm giác khó chịu, bên tai luôn như có tiếng vo ve, tiếng ve kêu hay có khi như tiếng cối xay lúa… Triệu chứng ù tai có thể xảy ra lúc người ta mệt mỏi, trong không gian ồn ào hoặc cũng có thể gặp cả ngày, gây ảnh hưởng xấu đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Vậy nam y điều trị chứng tai ù như thế nào?
Lý luận y học cổ truyền (đông y) liên quan đến cái tai
Y văn cổ có rất nhiều luận chứng về chứng ù tai, ví dụ như "Hoàng đế Nội kinh", viết: "tủy hải không đủ, quay đầu sẽ ù tai", "thượng khí không đủ, tai sẽ chịu khổ bị ù". Cuốn "Cảnh nhạc Toàn thư" viết: "Thận khí sung túc, tai thính mắt sáng, nếu lao động quá mức hao tổn khí huyết, thì tinh thoát thận mệt, tất sẽ dẫn đến các bệnh về tai. Các triệu chứng ù tai, nào như tiếng mưa gió, nào giống tiếng ve kêu, hoặc giống như tiếng sóng, tất cả các triệu chứng đó đều do âm suy thận hư gây nên".
Tai là lỗ thông tới thận, dưới sự điều khiển của thận, đồng thời lại có mối liên hệ rộng rãi với kinh lạc của các phủ tạng khác, vì vậy, trường hợp khí huyết giữa các phủ tạng và 12 kinh lạc vận hành không thông suốt hoặc là không hài hòa sẽ dẫn đến chứng ù tai, trong đó chứng ù tai do tà khí thâm nhập từ bên ngoài hoặc các phủ tạng bị nhiệt sinh đàm gây nên là thực chứng ù tai, trường hợp ù tai do phủ tạng suy yếu bị tổn thương và ốm lâu gây nên phần lớn thuộc về hư chứng ù tai, bệnh lý và biến chứng đều không giống nhau.
Nguồn gốc của thực chứng ù tai là do phong tà thâm nhập từ bên ngoài, can hỏa và đởm hỏa chạy lên phía trên, đàm hỏa ùn tắc, khí ứ huyết trệ gây nên. Hư chứng ù tai là do thận tinh và âm tinh không đủ, thận dương và nguyên dương suy yếu, tỳ khí hư nhược cũng như tim, tỳ, huyết hư gây nên.
Theo Nam y, chứng tai ù phần nhiều liên quan đến tạng thận và can, mà chủ yếu là tạng thận nhiều hơn.
Nam y điều trị chứng ù tai như thế nào?
Nam y chia chứng ù tai thành 2 thể bệnh
• Thể thận hư tinh thiếu
Sách Nội kinh nói: “Tinh thoát thì tai điếc… tân dịch thoát thì tai ù điều đó đã nói rõ thận hư tinh khí suy kém đều có thể sinh ra chứng tai ù, thậm chí tai điếc.
- Chứng trạng: Bệnh nhân cảm thấy ù tai, trong tai lúc nào cũng nghe như tiếng ve kêu, tiếng nước thủy triều lúc nhỏ lúc to. Khi mệt mỏi, giận dữ thì tai ù càng mạnh. Ngoài ra bệnh nhân còn cảm thấy đầu choáng mắt hoa, hồi hộp trống ngực, đau lưng, mỏi gối.
- Pháp điều trị: dưỡng âm tiềm dương
- Phương điều trị: Đại bổ âm hoàn
Thành phần: Hoàng bá sao 16g, Thục địa chưng rượu 24g, Tri mẫu sao 16g, Quy bản chế 24g. Tất cả cho vào tán mịn hòa với nước tủy xương sống lợn đun chín, rồi luyện mật làm hoàn.
Cách dùng: Mỗi lần uống 8-12g vào 2 lần sáng – tối.
- Phương để châm: Châm các huyệt Ế phong, Phong trì, Trung chữ, Hành gian, Phong long, Thái Khê, Thận du
• Ù tai do hỏa của can đởm nhiễu động lên trên
- Chứng trạng: Bệnh nhân cảm thấy ù tai, trong tai lúc nào cũng nghe như tiếng ve kêu, tiếng nước thủy triều lúc nhỏ lúc to. Khi mệt mỏi, giận giữ thì tai ù càng mạnh. Ngoài ra bệnh nhân còn có các biểu hiện như mặt đỏ, tâm tình thay đổi, dễ cáu gắt, hay buồn bực, ít ngủ, lưỡi đỏ, rêu vàng, mạch huyền.
- Pháp điều trị: Thanh can hỏa trừ đàm
- Phương điều trị: Long đởm tả can thang
Thành phần: Long đởm thảo 12g, Đương quy 10g, Sài hồ 10g, Sinh địa 10g, Chi tử 8g, Hoàng cầm 8g, Trạch tả 8g, Xa tiền tử 8g, Mộc thông 8g, Cam thảo 4g.
Cách dùng: sắc uống ngày 1 thang chia 2 lần sáng tối
- Phương để châm: Châm các huyệt Ế phong, Phong trì, Trung chữ, Phong long, Hành gian, Hạ quan, Nhĩ môn, Tứ Bạch.
Bs. Hồng Hạnh (Thọ Xuân Đường)