BẠN ĐÃ BIẾT SẮC VÀ UỐNG THUỐC ĐÔNG Y ĐÚNG CÁCH
Bài đăng báo Sức khỏe cộng đồng số 18 (68) ngày 03/07/2019
Ngày càng có nhiều người dùng thuốc Đông y để trị bệnh. Trong Đông y, sắc thuốc đã là một công việc khá phức tạp và công phu, nhưng khi sắc xong rồi, uống như thế nào cho đúng cũng là một vấn đề rất quan trọng.
Sắc thuốc đúng cách
Ấm thuốc sắc là yếu tố quan trọng đầu tiên. Nên sử dụng ấm đất, ấm sành, nồi nhôm, nồi thép không gỉ, nồi áp suất, ấm sắc thuốc.
Lượng nước chỉ nên đổ ngập mặt thuốc khoảng 2cm. Nếu dùng ấm thuốc có vòi, nên lấy giấy gói thuốc lót dưới mặt vung và nút vòi ấm để ngăn không cho thuốc sôi bồng lên tràn ra ngoài. Khi mới sắc, để lửa to cho chóng sôi. Khi đã sôi, cần vặn nhỏ lửa rồi tùy loại thuốc và hướng dẫn của bác sĩ để sắc cho đúng. Có thuốc sắc 1 nước, có thuốc phải sắc 2-3 nước rồi hòa chung với nhau để uống.
Trong khi sắc thuốc, luôn có mặt để điều chỉnh ngọn lửa cho phù hợp, hoặc điều chỉnh nắp vung nồi cho thích hợp để thuốc không trào ra ngoài. Không để thuốc cạn hết và cháy. Nếu thuốc cạn, trào ra hết, cháy thuốc cần cho thêm nước cho đủ để chất thuốc có thể hòa tan tốt, không được cho thêm thuốc vào sắc trước hoặc sau khi sắc…
Nên uống nóng, uống ấm hay uống lạnh?
Thường khi sắc thuốc xong, chắt nước thuốc ra bát, đợi một lát để thuốc nguội đến độ vừa phải, không nóng không lạnh rồi uống như vậy gọi là uống ấm. Cách uống này hay được sử dụng hơn cả vì rất phù hợp.
Tuy nhiên với những bệnh nhân bị chứng hàn như cảm mạo phong hàn, đau bụng đi ngoài do lạnh... muốn nâng cao tác dụng tán hàn của thuốc thì phải uống nóng. Ngược lại, với những bệnh nhân bị chứng nhiệt như sốt sao, môi khô họng khát, miệng lưỡi lở loét, đại tiện táo, tiểu tiện sẻn đỏ... thì phải đợi cho thuốc thật nguội mới uống, nhằm mục đích tăng cường hiệu quả thanh nhiệt của dược liệu.
Nên uống vào lúc nào?
Khả năng chứa tối đa của dạ dày là 1,5 lít. Lượng thức ăn uống vào vừa mức sao cho lượng thuốc khi uống vào cũng vừa đủ. Người lớn thường uống một bát tương đương 250 ml/lần (thường nói đổ 3 bát nước sắc còn 1 bát). Trẻ em thường giảm liều, bằng 1/2 hoặc 1/3 của người lớn. Với trẻ em nôn hoặc tiêu chảy, uống liều trên vẫn nôn, vẫn tiêu chảy thì giảm liều để dạ dày, ruột có điều kiện tiếp nhận thuốc, hấp thu thuốc.
Thuốc có hiệu quả hay không ngoài việc dùng đúng bệnh và sắc đúng cách còn phụ thuộc vào thời gian uống thuốc có hợp lý hay không.
Uống trước bữa ăn 30-60 phút: Áp dụng với các thuốc chữa bệnh can thận hư, bệnh đường ruột, dạ dày và các bệnh từ lưng trở xuống. Trong trạng thái bụng đói, dược tính dễ dàng chuyển xuống dưới, thuốc uống vào sẽ tiếp xúc trực tiếp với niêm mạc đường tiêu hóa, nhanh chóng đi qua dạ dày, xuống ruột. Nhờ đó, thuốc sẽ nhanh chóng được hấp thu và phát huy tác dụng, không bị thức ăn trong dạ dày làm loãng.
Uống sau bữa ăn 15-30 phút: Áp dụng cho các bệnh phía trên như tâm, phế, ngực và trên dạ dày. Các loại thuốc gây kích thích đối với đường tiêu hóa hoặc có độc tính khá cao cũng nên uống sau khi ăn để tránh hấp thu quá nhanh, gây trúng độc.
Uống vào sáng sớm khi đói: Áp dụng cho các loại thuốc thang bồi bổ để thuốc được hấp thu đầy đủ. Các thuốc dùng để diệt trùng, công hạ và chữa bệnh mạch máu tứ chi cũng nên uống lúc đói, nhằm làm cho thuốc nhanh đến ruột, nồng độ thuốc không bị giảm đi.
Uống trước khi ngủ 15-20 phút: Áp dụng cho các thuốc bổ tâm tỳ, an thần, ngủ ngon và chữa các bệnh ứ trệ, bệnh vùng ngực. Uống xong nên nằm ngửa, nếu là thuốc trầm giáng thì nên nằm nghiêng.
Uống liền một mạch: Nghĩa là uống một lần hết ngay bát thuốc. Cách uống này thích hợp với các bệnh nặng hoặc bệnh về dạ dày, các thuốc thông tiện, hoạt huyết, hóa ứ. Mục đích của cách uống này là để thuốc không làm tổn hại đến chính khí, phát huy hết tác dụng.
Uống từ từ: Tức uống từng tí một hoặc ngậm thuốc, áp dụng cho các bệnh đau họng, nôn mửa nhằm làm cho thuốc ngấm dần vào chỗ đau.
Ngâm uống: Với các loại thuốc quý như trầm hương, mộc hương và thuốc có mùi thơm, không nên đun lâu, có lúc nên pha uống (cho thuốc vào cốc, cho thang còn nóng vào ngâm, một lúc sau thì uống). Các loại nhục quế, tàng hồng hoa nên ngâm nước nóng để uống, tránh đun lâu để không làm mất các thành phần có ích trong thuốc.
Cách hạn chế cảm giác buồn nôn khi uống thuốc
Những người uống thuốc sắc Đông y lần đầu thường có cảm giác buồn nôn, thậm chí có thể nôn ngay lập tức, đặc biệt là khi uống các thuốc thanh nhiệt giải độc có vị đắng. Để hạn chế tình trạng này, trước tiên phải hết sức bình tĩnh, thư giãn thần kinh, không nóng vội, chú ý độ ấm của thuốc và cách uống trước hay sau bữa ăn rồi uống một ngụm nhỏ, ngậm trong miệng một lát để tạo cảm giác thích ứng, sau đó từ từ nuốt xuống họng. Khi uống hết, nên dùng một chút nước ấm tráng miệng. Ngoài ra, hòa thêm vào bát thuốc một ít nước gừng tươi cũng có thể đem lại hiệu quả chống nôn và buồn nôn ở một mức độ nhất định.
Có những người sau khi uống xong thấy dễ chịu, bệnh giảm, không biểu hiện gì. Tuy nhiên, với một số người sau khi uống sẽ gặp các tác dụng phụ như: lợm giọng như có cặn ở trong họng, nôn, đau bụng, tiêu chảy, trướng bụng…Với những trường hợp này, cần báo ngay cho thầy thuốc để có hướng cắt, giảm hoặc thay đổi liều thuốc.
Nên kiêng ăn uống thế nào khi uống thuốc?
Kiêng cữ về ăn uống khi dùng thuốc Đông y là một điều rất cần thiết. Bởi lẽ, nếu ăn uống không hợp lý thì có thể ảnh hưởng hiệu lực của thuốc và sức khỏe của người bệnh. Tuy nhiên, nhiều người kiêng kỵ một cách quá mức và không cần thiết. Trên thực tế, việc kiêng cữ về ăn uống phải tùy thuộc vào 2 yếu tố: Một là các món ăn kỵ với các vị thuốc đang dùng. Hai là các thức ăn chống lại tác dụng của thuốc, ví dụ đang uống thuốc trị chứng hàn thì phải kiêng các thức ăn mát lạnh... Như vậy, về vấn đề này, việc dùng thuốc gì cần kiêng thức ăn nào, thì người bệnh phải tuân thủ theo chỉ dẫn của thầy thuốc Đông y. Đây là điều là hết sức quan trọng.