THUỐC NAM CHỮA HEN PHẾ QUẢN VÀ TIỂU ĐƯỜNG
Bài đăng trên Báo Người Cao tuổi ra ngày 29 - 9 - 2017
Tuần này chuyên mục Nam y với người Việt nhận được câu hỏi tư vẫn của NCT về các bệnh thường gặp vào thời khắc giao mùa. TS- Lương y Phùng Tuấn Giang- Truyền nhân đời thứ 16 của Thọ Xuân Đường - Nhà thuốc dong y Gia truyền lâu đời nhất Việt Nam tiếp tục tư vấn cho các độc giả quan tâm...
Ông Nguyễn Danh Điệp, 67 tuổi ở xã Đinh Xá, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam hỏi: Tôi có tiền sử bị hen hơn 30 năm nay, dạo này khó thở nhiều, dùng thuốc xịt cũng không có tác dụng. Xin thầy thuốc tư vấn.
TS - Lương y Phùng Tuấn Giang: - Trường hợp của ông có khả năng đã biến chứng thành bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính hoặc tâm phế mạn, bác nên đi kiểm tra thông khí để xác định bệnh. Nam y điều trị Hen phế quản toàn diện và vào tận gốc bệnh, bác nên tìm hiểu và chọn lựa.
Dùng các vị thuốc Nam có tác dụng tuyên phế, hóa đàm, bình suyễn điều trị các cơn hen thường xuyên xảy ra. Tùy vào thể hen hàn hay hen nhiệt mà phối ngũ các vị thuốc thích hợp; Phục hồi công năng phế, tỳ, thận, điều hòa khí huyết để tránh tái phát các cơn hen; Giải độc cơ thể, tăng cường miễn dịch, cân bằng nội môi để phòng chống các bệnh dị ứng, miễn dịch. Bên cạnh đó, điều trị bằng châm cứu để huy động năng lượng nội sinh, làm giãn phế quản để cắt cơn khó thở, chống các tác nhân gây hen. Kết hợp chế độ ăn uống và luyện tập dưỡng sinh, tập thở…để tăng sức đề kháng cho cơ thể.
Bà Nguyễn Thị Hạnh 70 tuổi ở quận Ba Đình – TP Hà Nội hỏi: Tôi bị tiểu đường nhiều năm. Xin cho hỏi tác dụng của Dây Thìa canh đối với bệnh tiểu đường?
TS - Lương y Phùng Tuấn Giang: - Dây Thìa canh tác dụng ổn định đường huyết, giảm lipid máu. Thích hợp dùng cho người tiểu đường type 1 và 2.
- Mỗi ngày dùng 50g dây Thìa canh khô, đun sôi với 1,5 lít nước trong 15 phút, uống sau bữa ăn 1520 phút, ngày 3 lần. Nước sắc có mùi vị thơm ngon, dễ uống.
- Có thể dùng kết hợp với cây Nở Ngày Đất (mỗi loại 100g sắc trong 2 lít nước) để tăng cường hiệu quả điều trị.
Dây Thìa canh an toàn, dễ sử dụng và không gây tác dụng phụ.
Bà Nguyễn Thị Dung 79 tuổi ở Phường Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai – TP Hà Nội hỏi: Tôi bị mỡ máu cao, cho tôi hỏi chế độ ăn để giảm mỡ máu và phòng ngừa biến chứng?
TS- Lương y Phùng Tuấn Giang: - Với bệnh mỡ máu cao, chế độ ăn lành mạnh rất quan trọng, bác nên tuân thủ theo chế độ ăn sau để giảm mỡ máu và phòng ngừa biến chứng:
- Hạn chế sử dụng những thực phẩm có chứa nhiều chất béo bão hòa (mỡ, phủ tạng động vật, bơ, sữa chưa tách kem…) và thực phẩm chứa nhiều đường, bột tinh luyện.
- Không dùng chất kích thích: Rượu bia, thuốc lá…
- Sử dụng các loại thực phẩm có chứa các chất béo không no như dầu thực vật (dầu đậu nành, dầu mè, dầu ô liu, dầu hạnh nhân…), cá (có chứa nhiều omega – 3, 6, 9).
- Tăng cường sử dụng các loại rau củ, trái cây tươi, các loại đậu đỗ, tỏi, nghệ…
- Bổ sung chất xơ từ ngũ cốc thô.
Trường hợp bệnh nhân đã thay đổi chế độ ăn và tập luyện mà Cholesterol vẫn > 5,2 mmol/l thì cần phải phối hợp với điều trị thuốc.
Nguồn: Báo Người Cao tuổi ra ngày 29 - 9 - 2017