HUYẾT HÃN ĐỒNG NGUYÊN – MÁU VÀ MỒ HÔI CÙNG NGUỒN GỐC
Huyết (血) tức là máu, hãn (汗) tức là mồ hôi. Theo đông y, máu và mồ hôi có cùng nguồn gốc (huyết hãn đồng nguyên). Từ lý luận đó mà thầy thuốc y học cổ truyền có thể ứng dụng trong chẩn đoán và điều trị bệnh.
1. Huyết (máu)
Theo y học cổ truyền, huyết được sinh hóa từ 3 nguồn:
- Do tinh hoa từ thủy cốc được tỳ vị vận hóa ra.
- Do doanh khí đi trong mạch.
- Do tinh tàng trữ ở thận.
Huyết được tâm khí thúc đẩy đi theo mạch để nuôi dưỡng toàn thân:
- Bên trong là lục phủ, ngũ tạng.
- Bên ngoài là bì phu, cơ nhục, cân cốt, ngũ quan…
Công năng ngũ tạng được điều hòa thì huyết được sinh ra đầy đủ. Huyết đầy đủ thì cơ thể khỏe mạnh.
2. Hãn (mồ hôi)
Hãn là dịch của tâm khí thoát ra. Với y học cổ truyền, mồ hôi là vật chất quan trọng để phục vụ trong chẩn đoán và điều trị.
Trong tứ chẩn của đông y (vọng, văn, vấn, thiết) thì việc hỏi về mồ hôi (tự hãn hay đạo hãn), mùi mồ hôi, đặc tính của mồ hôi trên da khi sờ… giúp thầy thuốc thu thập chứng trạng để chẩn đoán, biện chứng luận trị cho bệnh nhân.
Trong điều trị có pháp phát hãn (làm ra mồ hôi) để đuổi tà khí và có pháp liễm hãn để trị các chứng mồ hôi ra nhiều.
3. Huyết hãn đồng nguyên (máu và mồ hôi cùng nguồn gốc)
Theo Hoàng đế Nội kinh – Linh khu (thiên Doanh vệ sinh hội):
Huyết hãn đồng nguyên được nhìn theo các phương diện sau:
• Trên phương diện sinh lý
- Huyết do dinh khí và tân dịch hợp thành.
- Mồ hôi do tân dịch hóa thành dịch.
- Tân dịch và huyết cùng có nguồn gốc từ chất tinh vi của thủy cốc.
- Mồ hôi là dịch của tạng tâm, tạng tâm chủ huyết mạch.
• Trên phương diện bệnh lý
- Mồ hôi ra quá mức làm tân dịch hao tổn khiến cho huyết mất nguồn sinh hóa dẫn đến thiếu máu (thiểu huyết).
- Mất máu quá nhiều làm tân dịch khuy tổn mạnh khiến cho nguồn sinh ra mồ hôi bị mất dẫn đến ít ra mồ hôi (thiểu hãn).
• Trên phương diện trị liệu
- Người mất máu nhiều thì mồ hôi không có. Vì vậy, người xuất huyết, huyết hư phải cẩn thận khi dùng thuốc phát hãn (thuốc làm ra mồ hôi để đuổi tà khí).
- Người ra mồ hôi nhiều tất sinh huyết hư, huyết thiểu. Vì vậy, cẩn thận khi dùng thuốc có tính phát tán, hao huyết, động huyết.
• Trên phương diện dự hậu
- Mất máu nhiều cùng với mất mồ hôi nhiều dẫn đến chết.
- Mất 1 trong 2 thứ (máu hoặc mồ hôi) còn có thể cứu chữa được.
Bác sĩ: Nguyễn Thùy Ngân (Thọ Xuân Đường)