THỦ THUẬT CẤY CHỈ ĐƯỢC TIẾN HÀNH NHƯ THẾ NÀO ?
Cấy chỉ là phương pháp đưa 1 đoạn chỉ tự tiêu vào huyệt vị để gây kích thích liên tục ở kinh lạc nhằm mục đích điều trị, phòng ngừa bệnh tật hoặc làm đẹp. Phương pháp này mang lại rất nhiều ưu việt, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí và đem lại hiệu quả cao. Chính vì vậy nó ngày càng được ứng dụng nhiều hơn. Vậy thủ thuật cấy chỉ được tiến hành như thế nào? Nhà thuốc Thọ Xuân Đường sẽ chia sẻ thông tin cùng bạn.
Bệnh nhân cấy chỉ chữa xơ cứng bì tại Thọ Xuân Đường
Chuẩn bị cấy chỉ
Để thủ thuật được thực hiện tốt thì cần chuẩn bị mọi thứ sẵn sàng, đảm bảo công tác vô khuẩn thật tốt.
- Chuẩn bị bệnh nhân
Bệnh nhân cần được tư vấn và giải thích để hiểu về phương pháp cấy chỉ, giúp tăng thêm niềm tin và tăng hiệu quả điều trị bệnh. Trước khi làm thủ thuật bệnh nhân nên ăn nhẹ, nghỉ ngơi 30 phút, kiểm tra các dấu hiệu sinh tồn ổn đinh(mạch, nhiệt độ, huyết áp, nhịp thở).
Không cấy chỉ khi bệnh nhân đang đói, hoặc vừa ăn quá no, khi mới uống rượu, thận trọng với phụ nữ đang hành kinh.
- Chuẩn bị dụng cụ
+ Chọn chỉ catgut phù hợp(2.0-4.0)
+ Kim cấy chỉ vô khuẩn: chọn loại kim phù hợp với chỉ catgut
+ Hộp chống sốc
+ Các dụng cụ khác: Khay vô khuẩn, pank, kéo, cồn iod 5%, cồn 70 độ, cồn 90 độ, bông, băng dính, gạc… tất cả đều vô khuẩn.
Các bước tiến hành cấy chỉ
- Bước 1: bệnh nhân nằm hoặc ngồi ở tư thế thoải mái, có thể bộc lộ vùng cần cấy chỉ, sau đó phủ sang/ga vô khuẩn có lỗ lên trên.
Thấy thuốc sát khuẩn tay, đội mũ, đeo khẩu trang, đeo găng tay vô khuẩn.
- Bước 2: Cắt chỉ catgut thành từng đoạn dài 0.5-2cm. Sau đó luồn chỉ vào lòng kim cấy chỉ
- Bước 3: Xác định vị trí huyệt cần cấy chỉ, sát khuẩn bằng cồn iod 5%. Đâm kim cấy chỉ vào huyệt, tiến hành qua da thật nhanh để bệnh nhân không đau, sau đó từ từ đẩy kim vào sâu 1-3cm tùy vị trí huyệt.
Bác sĩ từ từ đẩy nòng có chỉ vào rồi từ từ rút kim ra, khi đó chỉ catgut sẽ nằm lại trong huyệt. Lúc này sẽ rút toàn bộ kim ra khỏi huyệt, sát khuẩn lại bằng cồn rồi đặt gạc, băng dính lại là xong
Tùy theo từng tình trạng bệnh mà liệu trình điều trị sẽ khác nhau từ 2-6 lần, khoảng 3-4 tuần sẽ thực hiện thủ thuật 1 lần.
Một số lưu ý khi tiến hành cấy chỉ
Bất cứ một thủ thuật y khoa nào cũng có thể xảy ra tai biến, vì vậy cần lưu ý một số điều sau:
- Chống chỉ định trong các trường hợp: Phụ nữ mang thai, bệnh nhân đang sốt cao, huyết áp cao, dị ứng chỉ…
- Theo dõi sát trong khi thực hiện thủ thuật
Cần theo dói nét mặt của bệnh nhân, phát hiện sớm các biểu hiện bất thường, nếu cần phải dừng thủ thuật và đo các dấu hiệu sinh tồn, sẵn sàng hộp chống sốc để xử trí các tai biến không may.
- Theo dõi sau thực hiện thủ thuật xem bệnh nhân có biểu hiện gì không, yêu cầu bệnh nhân nghỉ lại 30 phút rồi mới được về. Chú ý tại huyệt có sưng hay chảy máu không, vì kim cấy chỉ khá to.
- Xử trí tai biến
+ Vựng châm/ choáng: Bệnh nhân vã mồ hôi, mạch nhanh, người mệt mỏi
Cần dừng thủ thuật, cho bệnh nhân uống trà gừng hoặc nước mật ong ấm nóng. Day ấn huyệt Nhân trung, Thái dương, Bách hội, giật tóc mai lay gọi nếu bệnh nhân sa sầm, ngất…
Sau đó cho bệnh nhân nằm nghỉ, theo dõi các dấu hiệu sinh tồn
+ Dị ứng chỉ: Bệnh nhân có thể biểu hiện tại chỗ như sưng, đau, ngứa khó chịu, cũng có thể có biểu hiện toàn thân. Lúc này cần dùng thuốc kháng histamine chống dị ứng cho bệnh nhân, đổi loại chỉ catgut
+ Chảy máu tại huyệt vị: Dùng bông khô ấn vào vị trí chảy máu, giữ trong khoảng 5-10 phút mới nhấc ra, nếu đã cầm máu thì băng gạc lại, nếu không tiếp tục giữ đến khi cầm máu
+ Nhiễm khuẩn: Thường xảy ra nếu thực hiện tại các cơ sở không uy tín, dụng cụ không vô khuẩn, lúc này cần sử dụng kháng sinh chống viêm.
Bác sĩ Thúy Hường