Chuối (Musa spp.), thuộc họ Chuối (Musaceae). Chuối rừng (Musa acuminata) là loài chuối dại bản địa của vùng Đông Nam Á. Cùng với chuối hột, đây là tổ tiên của các loài chuối hiện đại.
Phần hoa chuối để ăn thực chất là cụm hoa chuối gồm nhiều lá bắc màu đỏ úp lên nhau thành búp, hình nón dài; ở kẽ mỗi lá bắc có khoảng 20 hoa xếp thành 1 nải 2 tầng; hoa ở giữa thường là hoa lưỡng tính, ở phía ngọn là hoa đực ở phía gốc là hoa cái.
Giá trị dinh dưỡng
Hoa chuối được coi là một loại rau được nấu thành nhiều món ăn khác nhau ở các nước châu Á. Hoa chuối mang nhiều chất dinh dưỡng và vitamin, do đó còn được dùng chữa suy dinh dưỡng trẻ em, người suy nhược cơ thể.
Hoa chuối chứa chất bổ sung dinh dưỡng đáng kể dựa trên hàm lượng kali và chất xơ (lignin, cellulose và hemicelluloses) cao, Ngoài kali, nguyên tố đa lượng có nhiều nhất trong hoa chuối là calci, phospho. Các nguyên tố khác, theo thứ tự giảm dần, bao gồm magie, natri, mangan, kẽm, sắt và đồng.
Thành phần hóa học và tác dụng dược lý
Ngoài việc nấu ăn, hoa chuối còn được dùng để chữa một số bệnh. Trong y học dân gian, hoa chuối được dùng để chữa đau tim, hen suyễn và các vấn đề nội tiết như tiểu đường. Tiêu thụ hoa chuối cũng giúp điều trị tiêu chảy và co thắt dạ dày. Đối với phụ nữ, ăn hoa chuối giúp lợi sữa, giảm đau bụng kinh và giảm các triệu chứng thời kỳ mãn kinh.
Sàng lọc hóa thực vật đã xác nhận sự hiện diện của các hợp chất hoạt động như glycoside, tannin, saponin, phenol, steroid và flavonoid trong chiết xuất hoa metanol của hoa chuối (Musa acuminata).
Glycoside được phát hiện trong sàng lọc hóa chất thực vật được sử dụng trong điều trị suy tim sung huyết và rối loạn nhịp tim, nó giúp bảo vệ tim khỏi bệnh tim mạch vành.
Tannin được cho là có một số hoạt động kháng khuẩn và chống oxy hóa ở nồng độ thấp, nó có thể ức chế sự phát triển của vi khuẩn và hoạt động như một chất chống nấm ở nồng độ cao hơn. Tannin được biết đến như là chất phenolic polyme vì khả năng kết tủa gelatin từ dung dịch được gọi là chất làm se.
Saponin có trong hoa chuối thường được sử dụng trong y học để điều trị bệnh động kinh, tiết nước bọt quá mức, nhiễm clo và chứng đau nửa đầu.
Phenol cũng được cho là có tác dụng chữa bệnh chống lại một số bệnh và được phân loại là hợp chất kháng khuẩn tích cực.
Gần đây, có thông tin cho rằng flavonoid có nhiều đặc tính dược lý như kháng nấm, chống oxy hóa, chống dị ứng, chống viêm, chống huyết khối, chống ung thư và bảo vệ gan. Từ thời cổ đại, flavonoid đã được sử dụng làm thuốc chống viêm và làm đẹp trong y học truyền thống. Hợp chất này được sử dụng để điều trị bệnh herpes simplex và bệnh ngoài da trong cộng đồng.
Dưới đây là một số tác dụng dược lý nổi bật của hoa chuối rừng đã được nghiên cứu.
Tác dụng kháng khuẩn
Chiết xuất hoa chuối cho thấy hoạt tính kháng khuẩn tốt đối với các vi sinh vật được thử nghiệm như Escherichia coli, Proteus mirabilis, Staphylococcus aureus, Micrococcus sp, Salmonella sp, Bacillus subtilis, Bacillus thuringiensis, Candida albicans và Aspergillus niger.
Đặc tính kháng khuẩn này có lẽ giải thích cho việc người dân bản địa sử dụng hoa chuối để điều trị và chữa lành một số bệnh nhiễm trùng.
Tác dụng chống oxy hóa
Nghiên cứu tác dụng chống oxy hóa ở hoa chuối (M. acuminata) cho thấy hoa là nguồn chống oxy hóa tốt dưới dạng butylat hydroxytoluene (BHT) với giá trị LC50 là 7,63 mg/ml.
Trong nhiều nghiên cứu khác, các nhà khoa học đã báo cáo rằng cây chuối có thể tự bảo vệ mình khỏi stress oxy hóa bằng cách sản xuất một lượng lớn chất chống oxy hóa.
Hoa chuối là một nguồn chất chống oxy hóa tự nhiên tốt. Vì vậy, đặc tính chống oxy hóa của hoa chuối có thể là sự thay thế tốt cho chất tổng hợp.
Tác dụng chống tăng đường huyết
Việc tiêu thụ hoa chuối như một loại rau rất phổ biến ở nhiều nước ở Đông Nam Á. Với hàm lượng chất xơ cao cùng với các chất chống oxy hóa, hoa chuối có tác dụng điều hòa đường huyết, chống tăng đường huyết.
Trong một nghiên cứu, dịch chiết hoa chuối có tác dụng ức chế hoạt động của α-glucosidase tốt hơn α-amylase ở nồng độ 200 µg/ml. Nghiên cứu này kết luận rằng chiết xuất hoa chuối là nguồn cung cấp chất chống oxy hóa tự nhiên mạnh mẽ, có thể được sử dụng làm chất điều hòa đường huyết sau bữa ăn.
Cách sử dụng và lưu ý
An toàn phải là tiêu chí chính trong việc lựa chọn cây thuốc cho mục đích chữa bệnh vì nhiều loại cây được sử dụng làm thuốc có độc. Mặc dù hoa chuối được tiêu thụ như một loại rau hoặc dùng cho mục đích y tế ở người nhưng cần phải biết mức độ độc tính để tránh quá liều hoặc ngộ độc. Các nghiên cứu cho thấy, hoa chuối an toàn với người sử dụng.
Ở nước ta, hoa chuối dùng trong nấu ăn với các món như rau sống ăn kèm bún, phở, lẩu; gỏi (nộm); các canh, xào, hầm… Trên thế giới, đã có nhiều nơi sử dụng bột hoa chuối (sấy khô, nghiền mịn) làm thực phẩm bổ sung dùng trong dinh dưỡng và hỗ trợ chữa bệnh.
Để có được món hoa chuối ngon, cần lưu ý sơ chế kỹ càng. Hoa chuối cần được bỏ phần bẹ già phía ngoài, gỡ từng lớp khi tới phần non có thể ăn được thì ngừng. Dùng dao để thái mỏng sợi hoa chuối theo chiều ngang, thái tới đâu cho hoa chuối vào ngâm nước muối pha loãng với chanh tới đó, ngâm trong khoảng 15 phút. Cuối cùng rửa sạch và cho ra rổ để ráo trước khi chế biến các món ăn khác.
TS. Lương Y Phùng Tuấn Giang
Chủ nhiệm Nhà thuốc Thọ Xuân Đường