Theo Y học hiện đại
Tại sao bạn bị đau đầu khi đến kỳ kinh nguyệt?
Nếu bạn nghĩ rằng có thể là do hormone, thì bạn đúng rồi! Hormone của bạn chắc chắn sẽ dao động trong suốt chu kỳ kinh nguyệt chứ không chỉ khi bạn chảy máu. Hai hormone chính, đó là estrogen và progesterone, là những hormone giúp điều hòa chu kỳ kinh nguyệt và nồng độ của những hormone này có thể ảnh hưởng đến mức độ nghiêm trọng và tần suất của chứng đau đầu. Ví dụ, chứng đau nửa đầu cấp tính có thể xảy ra khi nồng độ estrogen trong cơ thể giảm đáng kể.
Sau khi rụng trứng, nồng độ hormone giảm. Nồng độ estrogen và progesterone có xu hướng ở mức thấp nhất ngay trước kỳ kinh nguyệt. Sự giảm này khiến bạn dễ bị đau đầu hơn. Phụ nữ bị đau đầu trong kỳ kinh nguyệt thường bị đau đầu trước chu kỳ, trong chu kỳ và/hoặc sau chu kỳ.
Những người đang trong thời kỳ mãn kinh cũng thường bị đau nửa đầu do kinh nguyệt. Khi một người ngừng kinh nguyệt hoàn toàn, những cơn đau nửa đầu đó có khả năng sẽ dừng lại.
Các triệu chứng của chứng đau đầu do kinh nguyệt
- Đau đầu, có thể âm ỉ hoặc dữ dội.
- Nhạy cảm với ánh sáng, âm thanh và mùi.
- Da đầu đau hoặc nhạy cảm.
- Ăn mất ngon.
- Chóng mặt.
- Nhìn mờ.
- Cảm thấy mệt.
- Buồn nôn và nôn, đau bụng.
- Cảm thấy rất nóng (đổ mồ hôi) hoặc lạnh (ớn lạnh).
Đau đầu liên quan đến đau đầu trong kỳ kinh nguyệt thường ảnh hưởng đến một bên đầu của bạn. Đau quanh trán là bình thường, nhưng cũng có thể xảy ra ở các vị trí khác hoặc di chuyển từ vị trí này sang vị trí khác. Những cơn đau đầu này hơi khác nhau ở mỗi người.
Điều trị
Thuốc thường là phương pháp điều trị được lựa chọn: Thuốc giảm đau không kê đơn, thuốc tránh thai, liệu pháp hormon,…
Các biện pháp khắc phục tại nhà
- Bài tập thư giãn - Các bài tập như thiền, yoga và hít thở sâu có thể giúp thư giãn cơ, giảm căng thẳng và cải thiện các triệu chứng đau đầu.
- Nghỉ ngơi đủ giấc - Không ngủ đủ giấc sẽ khiến chứng đau đầu trở nên tồi tệ hơn. Cố gắng ngủ 6-8 tiếng mỗi đêm.
- Liệu pháp lạnh - Liệu pháp lạnh có thể làm giảm viêm và làm giảm cảm giác đau. Bọc một túi đá trong khăn và chườm lên trán (10 phút chườm, 10 phút nghỉ).
- Liệu pháp mát-xa - Thúc đẩy thư giãn cơ và giảm căng thẳng ở vai, lưng và cổ. Liệu pháp này có thể làm giảm mức độ nghiêm trọng và tần suất của chứng đau đầu do căng thẳng và các cơn đau nửa đầu.
- Uống vitamin - Các loại vitamin như vitamin B-2, coenzyme Q10 và magie có thể làm giảm mức độ nghiêm trọng của các cơn đau nửa đầu. Trước khi bắt đầu dùng thực phẩm bổ sung, hãy trao đổi với bác sĩ, đặc biệt là nếu bạn đang mang thai hoặc đang dùng thuốc khác.
Theo Y học cổ truyền
Hành kinh đầu thống là gì?
Tại chu kỳ kinh hoặc trước sau chu kỳ kinh xuất hiện đau đầu gọi là hành kinh đầu thống. Bản bệnh tùy theo bệnh nhân khác nhau mà ngoan cố sau khi trị khỏi có thể do yếu tố tinh thần mà lại tái phát cho nên tâm trí ổn định tránh xa những kích thích là 1 việc quan trọng. Bệnh này trong cổ văn ngày xưa khá ít đề cập chỉ thấy trong bệnh chứng của nguyệt kinh bất điều.
Đặc điểm, phân biệt bộ vị và tính chất hành kinh đầu thống
Đặc điểm của hành kinh đầu thống hay đau đầu trong lúc hành kinh là:
- Có tính chu trình bệnh phát tác lúc có kinh nguyệt hoặc trước sau hành kinh.
- Bị ảnh hưởng bởi yếu tố tâm lý thường có nguyên nhân do tình chí không ổn định
Phân biệt bộ vị đau đầu:
- Đau 2 bên đa phần do Can kinh bất hỏa.
- Đau trước trán thường có quan hệ với Dương minh Vị kinh, thuộc khí hỏa phong dương hiệp đàm.
- Đau sau gáy là bộ vị của kinh Thái dương và Đốc mạch cùng phong thấp hoặc huyết ứ có liên quan.
- Đau đỉnh đầu thường do Đốc mạch dương khí bất túc hiệp phong hàn.
Tính chất của đau đầu:
- Đau nhói đau chướng, châm chích thường thuộc nhiệt chứng, thực chứng thường thấy là phong hỏa hoặc huyết ứ, hoặc huyết ứ hiệp đàm thấp.
- Đau có tính co rút kịch liệt đa phần thuộc huyết ứ, huyết hàn.
- Đau liên miên, hôn thống đa phần thuộc hư chứng.
Thời gian phát tác cơn đau mang tính giá trị chẩn đoán nhất định sáng sớm hoặc trưa đau nhiều đa phần do đàm thấp huyết ứ; chiều hoặc tối đau nhiều thuộc âm hư hỏa vượng; lúc đau kịch liệt đau không ngừng nghỉ là chứng ứ huyết ngoan cố.
Nguyên nhân, bệnh cơ
Nguyên nhân bệnh cơ kỳ kinh đầu thống bệnh nhân không ngoài hỏa phong ứ vì vậy có tính quy luật mà phát tác tiền kỳ, kinh kỳ, hậu kỳ cùng với xung nhâm khí huyết có quan hệ.
- Can hỏa: Bẩm tố thể chất âm huyết bất túc can hỏa dễ động, trước kỳ kinh hoặc những ngày đầu của chu kỳ dương khí thiên thịnh can hỏa càng vượng, phẫn nộ phiền táo, kích động hỏa của kinh can, thăng nhiễu vu thượng mà gây đau đầu.
- Ứ huyết: Can uất khí trệ, ảnh hưởng xung nhâm trệ lâu ngày sinh ứ, ứ tý trở lạc. Trước và trong kỳ kinh xung nhâm khí huyết dễ động, khí uất nghịch nhiễu khiếu thanh không thông, động mà gây ra bệnh phát tác.
- Huyết hư: Bẩm tố thể chất âm huyết khuy hư mỗi lần hành kinh huyết ra nhiều âm huyết càng hư, hư phong thượng nhiễu lại dẫn tới bệnh này.
Chẩn đoán
Biểu hiện lâm sàng lúc có kinh hoặc trước sau kỳ kinh xuất hiện rõ triệu chứng đau đầu, đau đầu nghiêm trọng và khó chịu kèm theo buồn nôn,... Đau đầu có tính chu kỳ và đặc trưng điển hình rõ ràng. Kiểm tra phụ khoa không phát hiện gì bất thường, thân nhiệt thường nóng có thể hỗ trợ chẩn đoán bệnh.
Chẩn đoán phân biệt thông qua bệnh sử và kiểm tra toàn diện có thể hỗ trợ chẩn đoán. Có khả năng loại trừ ngoại cảm đầu thống bệnh mũi dẫn tới đau đầu,... Chụp CT để loại trừ bệnh lý do thần kinh não.
Điều trị
Chứng can hoả
Chứng hậu: Kinh tiền kỳ đau đầu chủ yếu phát sinh ở 2 bên huyệt thái dương, có thể thấy đau co như giật, châm chích hoặc đau trướng, trước chu kỳ kinh nguyệt lượng kinh sắc đỏ có máu cục, ngực bí phiền, miệng đắng họng khát, tiểu tiện bí vàng hoặc mắt đỏ, vú căng trướng, lưỡi đỏ rêu vàng nhớt, mạch huyền sác.
Phân tích: Bệnh nhân bẩm tố âm huyết bất túc can hỏa dễ động phẫn nộ phiền táo kích động hỏa của kinh can trước kỳ kinh hoặc những ngày đầu của chu kỳ dương khí thiên thịnh, can hỏa càng thậm, phẫn nộ phiền táo, kích động hỏa của kinh can, thăng nhiễu vu thượng mà gây đau đầu biểu hiện ở huyệt thái dương, đau như rút, châm chích hoặc đau chướng; can hỏa thiên thịnh, nhiệt thiêu đốt xung nhâm cho nên trước kinh nguyệt tới lượng nhiều sắc đỏ; can uất hiệp ứ thì hành kinh có máu cục; can nhiệt thượng nhiễu cho nên ngực bí tâm phiền; can nhiệt đởm tiết thì miệng đắng họng khát, tiểu tiện vàng; can hỏa thượng chưng cho nên mắt đỏ; can khí uất kết cho nên vú căng chướng, lưỡi đỏ, rêu vàng nhớt, mạch huyền sác là mạch tượng của can hỏa.
Phát trị cơ bản: Thanh can tiết hỏa, tức phong hòa lạc.
Phương dược: Linh giác câu đằng thang kết hợp với Long đởm tả can thang: Linh dương giáp 9 gam, câu đằng 15 gam, khổ đinh trà 10 gam, hạ khô thảo 15 gam, long đờm thảo 6 gam, trạch tả 10 gam, cam cúc 6 gam, đan bì 10 gam. Cách uống trước trong lúc hành kinh sắc uống mỗi ngày 1 thang.
Chứng huyết ứ
Chứng hậu: Đến kỳ kinh đầu đau chướng, châm chích, lượng kinh ít, sắc tím đen, có máu cục, bụng dưới đau, hành kinh bất sướng, ngực bí phiền táo, bụng không thoải mái, chất lưỡi tím tối, rêu lưỡi vàng trắng nhớt, mạch tế sáp hoặc huyền tế.
Phân tích: Can uất khí trệ ảnh hưởng tới xung nhâm trệ lâu ngày sinh ứ, ứ tý trở lạc khí uất nghịch thoán nhiễu khiếu thanh không, cho nên kinh kỳ đầu đau trướng châm chích. Ứ huyết nội trở xung nhâm thất điều cho nên lượng kinh ít sắc tím tối có máu cục; ứ huyết trở trệ, bất thông tác thống cho nên bụng dưới đau kinh hành bất sướng. Can uất khí trệ, nhũ lạc thất hòa cho nên hung bí phiền táo; khí cơ bất sướng cho nên bụng không thoải; mái chất lưỡi tím tối, rêu vàng trắng nhớt, mạch tế sáp hoặc huyền tế là tượng mạnh của huyết ứ.
Pháp trị cơ bản: Điều khí hóa ứ, thông khiếu hành kinh.
Phương dược vận dụng Thông khiếu hoạt huyết thang. Đương quy, xích thược, đào nhân, hồng hoa mỗi vị 10 gam; xuyên quảng, uất kim 6 gam; thanh phong đằng 15 gam, chích ngô công 3 gam, can địa long 10 gam, toàn yết 5 gam. Cách uống uống trước và trong kỳ kinh mỗi ngày 1 thang.
Chứng huyết hư
Chứng hậu: Sau khi hành kinh đầu đau dai dẳng hoặc luôn cảm giác đầu mờ mịt ,kinh nguyệt lượng nhiều, sắc đạm hồng, tâm quý chính xung, đau mỏi lưng, người mệt mỏi, lưỡi đạm hồng, ít rêu mạch tế huyền.
Phân tích: Bẩm tố thể chất âm huyết khuy hư, mỗi lần hành kinh huyết ra nhiều âm huyết càng hư, hư phong thượng nhiễu cho nên sau kỳ kinh đau đầu liên miên hoặc cảm giác mờ mịt, kinh nguyệt lượng nhiều sắc đạm hồng; âm huyết khuy hư, tâm thần thất dưỡng dẫn tới tâm quý chính xung ngủ kém, mạch tế huyền. Lưng phủ thất dưỡng cho nên đau mỏi, âm huyết bất túc không thể nhuận dưỡng cho nên người mệt mỏi; chất lưỡi đạm hồng ít rêu là tượng của âm huyết bất túc.
Pháp trị cơ bản: Tư âm dưỡng huyết, tức phong trấn dương.
Phương dược vận dụng: Kỷ cúc địa hoàng hoàn gia giảm. Câu kỷ tử 10 gam, cam cúc 6 gam, hoài sơn đan bì, phục linh, trạch tả 10 gam. Câu đằng 15 gam, chử thực tử, nữ trinh tử mỗi vị 10 gam. Cách uống sau kỳ kinh mỗi ngày 1 thang
Châm cứu:
- Can hoả chứng: Bách hộ, Phong trì, Thái xung, Tam âm giao.
- Huyết ứ chứng: Phong trì, Thái dương, Hợp cốc, Tam âm giao, Thái xung.
- Huyết hư chứng: Túc tam lý, Tam âm giao, Bách hội.
Dự hậu
Bệnh này nếu điều trị thích đáng thường sự hậu tương đối tốt. Với những chứng ngoan cố sau khi trị khỏi do yếu tố tinh thần mà tái phát cho nên quan trọng cần phải ổn định tâm lý tránh bị kích động. Không dùng các vị thuốc ôn táo trợ dương động huyết, rượu và các thực phẩm cay tán. Chú ý sức khỏe cơ thể, tránh căng thẳng tinh thần. Ăn uống điều độ, khống chế lượng muối nhập vào.
Hành kinh đầu thống và đầu thống do nội khoa không giống nhau, hành kinh đầu thống do nguyệt kinh ảnh hưởng, phát tác có chu trình vì vậy những sản vật bệnh lý như uất hỏa, huyết ứ, đàm thấp… đều có quan hệ với công năng thất điều của tâm thận, tử cung, xung nhâm, trên lâm sàng không chỉ xem xét bệnh biến cục bộ mà còn cần điều chỉnh tổng thể. Bạn nên đến những cơ sở y tế uy tín để được các bác sĩ thăm khám, đưa ra các phác đồ điều trị phù hợp nhằm cải thiện các tình trạng khó chịu của bệnh từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống.
BS. Đỗ Nguyệt Thanh (Thọ Xuân Đường)