Bệnh gan nhiễm mỡ là tình trạng tích tụ chất béo hay còn gọi là Triglycerid trong tế bào gan, do nhiều nguyên nhân gây nên. Bệnh tiến triển âm thầm từ nhiễm mỡ đơn thuần với tính chất lành tính, sau đó trở thành viêm gan nhiễm mỡ và cuối cùng là xơ gan, ung thư gan. Theo thống kê của tổ chức y tế thế giới, tỷ lệ gan nhiễm mỡ toàn thế giới dao động từ 4% - 46% tùy từng khu vực. Để chẩn đoán gan nhiễm mỡ thì sinh thiết mô bệnh học vẫn là tiêu chuẩn vàng trong chẩn đoán xác định, chẩn đoán mức độ và giai đoạn bệnh, tiên lượng cũng như đánh giá hiệu quả điều trị. Tuy nhiên, đây là phương pháp chẩn đoán xâm lấn nên hiện nay y học đã dựa vào các biện pháp thăm dò cận lâm sàng không xâm lấn khác để phụ trợ cho việc chẩn đoán bệnh lý gan nhiễm mỡ.
Các giai đoạn của gan nhiễm mỡ
Bệnh gan nhiễm mỡ là bệnh mạn tính không lây, triệu chứng không rõ ràng nên thường diễn biến thầm lặng, khó phát hiện, hoặc bệnh nhân chỉ có biểu hiện mơ hồ như mệt mỏi, đau tức vùng hạ sườn phải. Khi được chẩn đoán gan nhiễm mỡ, bệnh nhân sẽ được phân độ tổn thương để đánh giá.
- Gan nhiễm mỡ độ I: Là mức độ nhẹ nhất, bệnh nhân thường không có biểu hiện bệnh lý gì, lúc này lượng mỡ sẽ chiếm khoảng 5-10% tổng trọng lượng lá gan.
- Gan nhiễm mỡ độ II: Ở giai đoạn này lượng mỡ sẽ chiếm 10-20% tổng trọng lượng lá gan. Bệnh nhân sẽ thấy mệt mỏi, chán ăn, buồn nôn, đầy bụng, khó tiêu.
- Gan nhiễm mỡ độ III: Đây là mức độ nặng nhất, lượng mỡ chiếm 20-30% tổng trong lượng gan, các biểu hiện chán ăn, mệt mỏi, đau tức hạ sườn phải sẽ rõ rệt hơn, kèm theo có thể có vàng da, vàng mắt.
Tiến triển của gan nhiễm mỡ
- Viêm gan nhiễm mỡ: Khi các tế bào mỡ trong gan càng nhiều sẽ làm suy giảm chức năng gan, tạo điều kiện thuận lợi cho các yếu tố như vi khuẩn, virus, ký sinh trùng trừ ruột xâm nhập gây viêm gan, giảm khả năng đào thải độc tố của gan, tỷ lệ tiến triển thành viêm gan nhiễm mỡ chiếm 30% trong tổng số bệnh nhân mắc gan nhiễm mỡ. Bệnh nhân thường có thể có biểu hiện mệt mỏi, chán ăn, nước tiểu sẫm màu, tăng men gan, nếu bệnh diễn biến kéo dài sẽ dẫn đến xơ gan.
- Xơ gan: Gan nhiễm mỡ làm các tế bào gan phải làm việc quá tải, từ đó hình thành các sợi xơ. Cấu trúc xơ sẹo càng ngày càng chiếm dần thể tích của gan, làm cho gan bị chai cứng. Tỷ lệ tiến triển thành xơ gan chiếm khoảng 5-10% tổng số bệnh nhân gan nhiễm mỡ.
- Ung thư gan: Khi các tế bào gan bị tổn thương lâu ngày có thể gây ra những phát sinh đột biến, tiến triển thành bệnh lý ác tính.
Các phương pháp chẩn đoán và định hướng chẩn đoán
Hiện nay, phương pháp cận lâm sàng thăm dò định hướng chẩn đoán bệnh gan nhiễm mỡ gồm có phương pháp xâm lấn và không xâm lấn như:
- Xét nghiệm máu mục đích để kiểm tra các chỉ số Cholesterol, Triglycerid, men gan AST, ALT, Bilirubin trực tiếp, Bilirubin gián tiếp, Albumin máu,…
Siêu âm ổ bụng có thể đánh giá được mức độ gan nhiễm mỡ dựa trên hình ảnh gan tăng âm như:
- Gan nhiễm mỡ độ 1: Độ hồi âm nhu mô gan chỉ tăng nhẹ, mức độ hút âm chưa có thay đổi nhiều, đường bờ tĩnh mạch gan và cơ hoành hơi mờ đi.
- Gan nhiễm mỡ độ 2: Mức hồi âm và hút âm của nhu mô gan có tăng lên đáng kể, còn gọi là “gan sáng”, tuy nhiên vẫn xác định được đường tĩnh mạch và cơ hoành nằm ở vị trí nào.
- Gan nhiễm mỡ độ 3: Ở giai đoạn này, độ hồi âm và hút âm lan tỏa đã tăng tới mức cao, khó để định vị được các đường tĩnh mạch và cơ hoành.
Tuy nhiên, độ chính xác của phương pháp này mang yếu tố chủ quan nhiều hơn nên sẽ phụ thuộc nhiều vào trình độ, kinh nghiệm của bác sĩ siêu âm.
Sinh thiết: Người ta có thể lấy một mẫu tổ chức gan đem đi kiểm tra tế bào học, đây là tiêu chuẩn vàng dùng để chẩn đoán và xác định gan nhiễm mỡ.
Hiện nay, trong dân số Việt Nam, tỷ lệ người mắc bệnh gan nhiễm mỡ ngày càng gia tăng bởi thói quen, lối sống sinh hoạt của thời nay có nhiều sự mất cân bằng và bất lợi cho cơ thể. Cùng điểm danh những nguyên nhân gây tăng nguy cơ gan nhiễm mỡ sau đây:
- Béo phì: Cứ 10 người phụ nữ bị béo phì thì có đến 7 người có nguy cơ mắc gan nhiễm mỡ do nguyên nhân này. Do sự vận chuyển chất béo trong gan bị quá tải, dẫn đến tình trạng ứ đọng mỡ trong gan. Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng tỷ lệ mắc gan nhiễm mỡ không do rượu tăng theo BMI (chỉ số khối của cơ thể). Những người có BMI từ 30.0 – 39.9 kg/m2 thì tỷ lệ gan nhiễm mỡ và viêm gan nhiễm mỡ tương ứng là 20% và 3%, trong khi người bình thường thì tỷ lệ này là 15% và 3% . Đặc biệt với những người có BMI ≥40 kg/m 2 tỷ lệ có thể lên đến 85% và 40%, cho thấy mức độ ảnh hưởng nghiêm trọng của béo phì đối với bệnh lý gan nhiễm mỡ.
- Uống đồ có cồn: Theo thống kê cho thấy nếu nam giới uống trên 40g cồn/ ngày và nữ giới uống trên 20g cồn/ ngày sẽ có nguy cơ cao mắc bệnh.
- Đái tháo đường: Có nhiều nghiên cứu đã chứng minh sự liên quan của bệnh đái tháo đường và gan nhiễm mỡ. Cho thấy tỷ lệ bệnh nhân mắc gan nhiễm mỡ cao ở nhóm bệnh nhân có bệnh đái tháo đường và ngược lại, đái tháo đường cũng khiến cho tình trạng gan nhiễm mỡ dễ tiến triển thành xơ gan.
- Mỡ máu: Bệnh mỡ máu hay còn gọi là bệnh rối loạn chuyển hóa Lipid máu. Bình thường trong máu luôn có sự lưu hành của Lipid nhưng nó chỉ ở giới hạn cho phép, nếu chỉ số đó tăng lên quá ngưỡng thì nó gọi là bệnh lý. Bệnh lý máu nhiễm mỡ xảy ra do có sự bất thường trong quá trình chuyển hóa mỡ của cơ thể, khi các Lipoprotein tỷ trọng thấp (LDL-C) được sản xuất quá nhiều và rối loạn trong việc giải phóng các hạt Lipoprotein. Thêm nữa, khoảng 80% Cholesterol của cơ thể được tổng hợp ở gan dưới sự xúc tác của enzyme HMG – CoA reductase. Các acid béo tự do hấp thụ qua gan sẽ chuyển thành Cholesterol. Nếu acid béo dư thừa sẽ chuyển thành Triglycerid. Tại gan, Triglycerid sẽ kết hợp với Apoprotein do gan sản xuất ra và đưa ra ngoài dưới dạng LDL-C. Do vậy, nếu có tình trạng rối loạn chuyển hóa Cholesterol ở gan sẽ làm tăng Cholesterol toàn phần, tăng LDL-C và Triglycerid, giảm HDL-C, dẫn đến tăng nồng độ Lipid trong máu. Ngược lại, nếu gan bị nhiễm mỡ sẽ hạn chế khả năng sản xuất Apoprotein làm cho chất béo trong gan quá nhiều khiến tình trạng gan nhiễm mỡ càng nặng hơn. Tuy nhiên, trên đây chỉ là những giả thuyết, còn người ta vẫn chưa xác định được mối liên kết rõ ràng giữa hai bệnh lý này nhưng theo thống kê đã công nhận những bệnh nhân có bệnh lý gan nhiễm mỡ thì phần lớn đều có rối loạn chuyển hóa lipid máu.
- Ngoài ra, sút cân quá nhanh, di truyền, tác dụng phụ của một số loại thuốc như Aspirin, Tamoxifen, Steroids hay Tetracycline… cũng là nguyên nhân phổ biến gây bệnh gan nhiễm mỡ.
Để cải thiện hoặc giảm nguy cơ mắc bệnh gan nhiễm mỡ, chúng ta cần phải sớm thay đổi chế độ ăn và lối sống sinh hoạt hợp lý như: Ăn tăng các loại rau củ quả; dầu thực vật; ăn đạm từ thịt, cá, trứng, sữa, các loại đậu đỗ; thường xuyên vận động, tập thể dục thể thao… Có thể dùng hàng ngày các loại thảo dược thiên nhiên dưới dạng trà dưỡng sinh như: Sơn tra, lá Sen, Hà thủ ô, cỏ Xước, Giảo cổ lam… Cụ thể:
- Trà Giảo cổ lam: Vị ngọt, đắng và tính hàn. Có tác dụng hạ lipid trong máu (hạ cả Cholesterol và Triglycerid), giảm nguy cơ xơ vữa động mạch và hạ huyết áp, tăng cường sức lực, giảm căng thẳng mệt mỏi, giúp ăn ngon miệng và cải thiện giấc ngủ, tăng cường sức đề kháng và tăng khả năng chống đỡ với bệnh tật, nên có thể dùng để phòng bệnh. Tăng cường chức năng giải độc gan, hạ men gan, bảo vệ gan khỏi tác hại của hóa chất, rượu, bia….Chúng ta có thể sử dụng Giảo cổ lam hàng ngày với liều nhỏ 20g để hãm dưới dạng trà uống. Kiêng kỵ: trường hợp người có biểu hiện chứng hư hàn không nên dùng.
- Trà lá Sen (hay đông y còn gọi là Hà Diệp): Có vị hơi đắng, tính bình, có tác dụng thanh nhiệt giải thử, dùng trong các trường hợp say nắng, say nóng, an thần, giảm lo âu, chống oxy hóa, chống viêm, dùng cùng các vị thuốc khác để chữa các chứng xuất huyết. Đặc biệt, trong thành phần hoạt chất của lá Sen chứa hàm lượng cao flavonoid có tác dụng làm giảm lipid trong máu, hỗ trợ giảm cân, giảm nguy cơ xơ vữa động mạch, hạ huyết áp….Nên dùng lá Sen hàng ngày để pha trà sẽ giúp chúng ta có một cơ thể khỏe mạnh. Lưu ý: do lá Sen có tính bình, hơi hàn nên những người có thể chất hư hàn, huyết áp thấp thì không nên dùng.
- Trà Hà thủ ô: Hà thủ ô đỏ có vị đắng, ngọt và tính ấm, thành phần chủ yếu là có tác dụng bồi bổ cơ thể, bổ huyết, bổ can thận, làm đen râu tóc. Theo nghiên cứu của y học hiện đại, Hà thủ ô có khả năng làm giãn mạch, hạ huyết áp, chống xơ vữa động mạch, hạ đường huyết, tăng cường hệ miễn dịch, thúc đẩy chức năng tuyến thượng thận, thúc đẩy hệ tiêu hóa, bảo vệ tim và mạch máu não, bảo vệ gan. Hơn nữa, Hà thủ ô còn có tác dụng hạ Cholesterol trong máu, đã được thí nghiệm trên thỏ. Liều dùng hàng ngày nên là 12-20g, dạng sắc hoặc dạng bột.
- Trà Sơn tra: Sơn tra là vị thuốc lấy từ quả của cây Sơn tra, có vị chua, tính hơi ấm. Trong Sơn tra có chứa protein, chất béo, đường, canxi, phốt-pho, sắt và các vitamin khoáng chất khác như kẽm, vitamin B1, B2, PP và Vitamin C nên có tác dụng tiêu thực, kiện vị, hạ áp. Sơn tra có thể ăn trực tiếp hoặc pha trà để uống hàng ngày.
- Trà cỏ Xước: cỏ Xước hay còn gọi là Ngưu tất nam, đây là một loại thân thảo, có tính mát, vị đắng, chua, có khả năng thanh nhiệt, hạ áp, trị táo bón, bổ gan thận, trừ ứ huyết, điều kinh, lợi tiểu, giảm đau,….Trong thành phần của cây Cỏ xước có chứa Saponin triterpenoid, Arginine, Alkaloids, Amino acid, Polysaccharide, Muối kali, Glucid, Glucoza, Potid, Chất xơ, Vitamin C, Carotene, đồng, sắt,… Cây cỏ Xước có tác dụng huyệt huyết, bổ can thận, mạnh gân cốt, trừ ứ, điều kinh, thông tiểu, giải nhiệt, giảm đau. Chủ trị: tăng Cholesterol máu, các vết thương bầm máu, viêm gan, viêm khớp, tăng huyết áp, gout, rối loạn kinh nguyệt,…. Theo nghiên cứu của y học hiện đại đã chứng minh, cỏ Xước có tác dụng hạ đường và Cholesterol máu, nâng cao chức năng gan rõ rệt, vậy nên chúng ta có thể dùng cỏ Xước hàng ngày để hạn chế nguy cơ hoặc làm giảm tình trạng tăng Cholesterol trong máu. Mỗi ngày có thể dùng lượng từ 12-20g để hãm trà là thích hợp.
BS. Nguyễn Yến (Thọ Xuân Đường)