Viêm da cơ địa (chàm) có tên khoa học là Atopic dermatitis là bệnh phát ban trên da phổ biến không lây nhiễm, ảnh hưởng tới 2-3% dân số ở cả trưởng thành và trẻ em. Tỷ lệ bệnh viêm da cơ địa ở trẻ em trong độ tuổi đi học chiếm 25% tổng số trường hợp mắc bệnh trên toàn thế giới. Bệnh thường biểu hiện dưới dạng phát ban đỏ, ngứa, có vảy, xuất hiện ở các vị trí khác nhau tùy thuộc vào độ tuổi và loại bệnh chàm của bệnh nhân. Tuy bệnh có mối liên hệ chặt chẽ về mặt di truyền nhưng sự gia tăng nhanh chóng về tỷ lệ mắc bệnh trong những năm gần đây khiến các nhà nghiên cứ tin rằng yếu tố môi trường cũng đóng một vai trò lớn hơn so với suy nghĩ ban đầu.
Nguyên nhân gây bệnh viêm da cơ địa, chàm
Viêm da cơ địa, chàm thuộc nhóm bệnh lý dị ứng. Cơ chế bệnh có liên quan đến rối loạn hệ thống miễn dịch của cơ thể người bệnh.
Hệ miễn dịch có vai trò bảo vệ cơ thể khỏi các kháng nguyên gây hại (Virus, vi khuẩn, nấm). Khi hệ miễn dịch phát hiện kháng nguyên sẽ hình thành kháng thể để tiêu diệt các kháng nguyên gây hại cho cơ thể. Khi gặp vấn đề liên quan tới bệnh lý dị ứng, hệ miễn dịch trở nên quá mẫn hơn bình thường. Phản ứng quá mẫn hình thành khi cơ thể tiếp xúc với một số dị nguyên ( phấn hoa, lông động vật, thực phẩm,…) hệ miễn dịch của cơ thể sản xuất ra hàng loạt chất trung gian (histamin, serotonin, bradykinin, prostaglandin D2, các leukotriene (D4,B4)…) để tiêu diệt dị nguyên. Khi sản sinh quá mức, các hoạt chất trung gian gây ra phản ứng như viêm da trên: Phát ban, ngứa ngáy, nổi sần đỏ…
Các yếu tố làm hệ miễn dịch suy yếu gây nên mất cân bằng chuyển hóa cơ thể
- Bệnh nhân đang có vấn đề sức khỏe khác: Bệnh nhân bị rối loạn chuyển hóa (mỡ máu, gan nhiễm mỡ, tiểu đường, huyết áp, tim mạch…), mệt mỏi quá độ, căng thẳng thần kinh, nhiễm trùng, nhiễm trùng đường ruột, giãn tĩnh mạch, viêm mũi dị ứng, hen suyễn…
- Sinh sống trong môi trường ô nhiễm, nghề nghiệp tiếp xúc thường xuyên với hóa chất, chất độc gây hại.
- Người hay sử dụng chất kích thích như rượu bia, thuốc lá, các chất kích thích khác…
- Thay đổi nội tiết tố khi mang thai, sau sinh, rối loạn khí huyết.
Các tác nhân làm tế bào da bị mất nước
- Nghề nghiệp thường xuyên phải tiếp xúc với nước, xà phòng, các loại hóa chất độc hại.
- Môi trường sống có khí hậu khô lạnh.
- Do tuổi cao khiến làn da lão hóa.
Dấu hiệu nhận biết có bị viêm da cơ địa không?
Viêm da cơ địa là một dạng viêm da dị ứng mãn tính tiến triển từng đợt, kéo dài trong một khoảng thời gian và thường tái đi tái lại, xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể bao gồm: Chân, tay, mặt, da đầu, cổ, lưng, môi, mông, vùng kín… Triệu chứng bệnh nhân viêm da cơ địa thường gặp là:
- Da khô, bong tróc da.
- Xuất hiện các nốt ban, sần đỏ.
- Nổi mụn nước ở vùng da bị viêm.
- Da có các vùng dày, thâm sạm.
- Ngứa, khó chịu, ngứa tăng lên vào ban đêm, tăng tiết mồ hôi hoặc khi căng thẳng thần kinh.
Ngoài những triệu chứng trong viêm da cơ địa còn có một số dấu hiệu đặc trưng khác:
- Viêm da cơ địa bội nhiễm: Tình trạng do gãi ngứa tạo thành vết thương, sau đó bị nhiễm trùng tạo thành mụn mủ và đóng vảy tiết vàng.
- Tổ đỉa: Các mụn nước li ti, dày, cộm cứng khi sờ vào. Khi vỡ có dịch vàng, để lại da hồng đỏ. Tổ đỉa rất khó chịu, thường xuất hiện ở lòng bàn tay/ chân. Thường bị một vùng nhỏ sau đó lan ra các vùng xung quanh.
- Á sừng: Khô, nứt da, ngứa tại vùng da bong tróc. Da bị nứt tạo thành đường rãnh, có thể chảy máu, cảm giác đau rát, căng tức, khó cử động. Bệnh nặng hơn vào mùa đông. Vị trí thường bị ở tay và chân.
Biến chứng của bệnh viêm da cơ địa
Bệnh nhân viêm da cơ địa nếu không được điều trị sớm có thể gây ra nhiều biến chứng:
- Bệnh hen suyễn và sốt cỏ khô: Hơn 50% trẻ em bị viêm da cơ địa dễ bị mắc thêm bệnh hen suyễn và sốt cỏ khô (là một dạng viêm mũi dị ứng gây ra các triệu chứng như chảy nước mũi, sung huyết, hắt hơi… nguyên nhân không phải do virus mà do các dị nguyên gây bệnh).
- Viêm da thần kinh mạn tính: Do viêm da cơ địa gây ngứa, người bệnh càng gãi càng ngứa, vùng da tổn thương đổi màu, dày lên.
- Nhiễm trùng da: Do gãi nhiều gây tổn thương vùng da bệnh, tăng nguy cơ nhiễm vi khuẩn và virus.
- Viêm da tay: Với những bệnh nhân phải làm việc trong môi trường ẩm ướt, chất tẩy rửa… rất dễ bị viêm da tay, chân.
- Viêm da tiếp xúc dị ứng: Người bệnh dễ gặp phải khi tiếp xúc với hóa chất công nghiệp, hóa mỹ phẩm, ô nhiễm môi trường…
- Rối loạn giấc ngủ: Do viêm da cơ địa gây ngứa, ảnh hưởng tới giấc ngủ của bệnh nhân.
Điều trị viêm da cơ địa thế nào?
Hiện với y học hiện đại vẫn chưa có phương pháp chữa viêm da cơ địa triệt để, do vậy chỉ có thể sử dụng các thuốc điều trị triệu chứng, giảm viêm, ngứa và ngăn các cơn bùng phát của bệnh, tránh biến chứng. Các loại thuốc thường được bác sĩ chỉ định như sau:
- Kem chống ngứa: Dùng kem bôi để điều trị triệu chứng ngứa. Nếu bị ngứa nặng ảnh hưởng đến sinh hoạt thì cần thềm thuốc kháng histamin hoặc các thuốc chống dị ứng gây buồn ngủ, uống trước khi ngủ.
- Kem dưỡng ẩm: Giữ ẩm cho da, phụ trợ cho kem chống ngứa để điều trị triệu chứng khó chịu đồng thời dưỡng ẩm cho da, làm mềm da khi thời tiết lạnh tránh da nứt nẻ, khô làm ngứa ra tăng.
- Kem kháng viêm: Sử dụng kem kháng viêm có corticoid khiến triệu chứng viêm tại chỗ thuyên giảm. Tuy nhiên những loại kem bôi này đều có tác dụng phụ như làm mỏng da, đổi màu da, làm da dễ nhiễm trùng nên chỉ sử dụng khi có chỉ định của bác sĩ.
- Kháng sinh: Trong trường hợp có triệu chứng của nhiễm trùng da, bác sĩ sẽ chỉ định sử dụng thêm các thuốc kháng sinh tùy theo mức độ viêm nhiễm. Nếu vết loét ngứa có chảy dịch cần đắp gạc, vệ sinh và thay băng hàng ngày tránh để bội nhiễm gây khó khăn hơn trong quá trình điều trị bệnh.
Hạn chế các yếu tố kích thích viêm da cơ địa:
- Tránh các đồ ăn gây dị ứng, vệ sinh nơi ở thường xuyên, tránh bụi bặm và khói thuốc.
- Sử dụng nước ấm để tắm, không tắm quá lâu.
- Sử dụng mỹ phẩm, nước hoa, xà phòng cố định. Nên chọn các loại dung dịch tẩy rửa nhẹ, ít gây kích ứng. Nếu muốn thay đổi nên kiểm tra trên một vùng da nhỏ trước xem có bị kích ứng hay không.
- Hạn chế gãi vết ngứa hết mức có thể, ở trẻ em cần cắt móng tay và đeo bao tay vào ban đêm.
- Mặc đồ thoáng mát khi trời nóng, giữ ẩm cho da khi trời lạnh.
- Uống đủ nước hàng ngày.
Liệu pháp điều trị miễn dịch cũng từng bước được ứng dụng trong điều trị viêm da cơ địa nói riêng và các bệnh miễn dịch khác nói chung. Nhưng hiệu quả và tính an toàn của các nhóm thuốc dùng để điều trị vẫn chưa rõ ràng nên được chỉ định cho trẻ trên 2 tuổi và chỉ được sử dụng khi các phương pháp điều trị khác không có kết quả và cần có chỉ định từ các bác sĩ chuyên khoa.
Quang tuyến trị liệu cũng là phương pháp mới đưa vào điều trị viêm da cơ địa, phương pháp điều trị các rối loạn bên trong và ngay dưới cấu trúc da, tuy nhiên vẫn cần nghiên cứu thêm vì có một số bằng chứng cho thấy gây lão hóa da sớm cũng như tăng nguy cơ ung thư da.
Viêm da cơ địa trong y học cổ truyền
Theo y học cổ truyền, viêm da cơ địa do tà khí (Phong - Hàn) xâm nhập vào cơ thể, kết hợp cùng phong nhiệt trong cơ thể gây nên khí huyết uất kết, tích tụ lại gây nên độc tố phát trên da. Bệnh cũng xảy ra khi bệnh nhân có dị ứng với thức ăn có tính “hàn” khiến chức năng can thận suy giảm, thể trạng suy nhược, tâm trạng căng thẳng hay do giun sán…
Điều trị viêm da cơ địa bằng y học cổ truyền
Để điều trị viêm da cơ địa cần tập trung cải thiện triệu chứng, điều hòa khí huyết, bồi bổ cơ thể, tán ứ giải nhiệt. So với Tây y, phương pháp điều trị bằng y học cổ truyền đem lại hiệu quả lâu dài hơn.
Ưu điểm:
- Giảm triệu chứng lâm sàng, đẩy lùi căn nguyên, ngăn chặn tái phát hiệu quả.
- Thuốc đông y sử dụng hoàn toàn dược liệu tự nhiên, an toàn, ít gây tác dụng phụ nên có thể sử dụng lâu dài.
- Thanh lọc cơ thể, giải độc, tăng cường miễn dịch, ổn định cơ địa.
- Phù hợp với nhiều đối tượng người bệnh, kể cả trẻ em, phụ nữ có thai và đang cho con bú.
- Giá thành điều trị không quá đắt, tiết kiệm chi phí cho người bệnh.
Nhược điểm:
- Cần bệnh nhân kiên trì, dùng thuốc lâu dài do thuốc thường có tác dụng chậm, không tức thì.
- Hiệu quả bài thuộc phụ thuộc vào thể trạng, cơ địa của bệnh nhân.
- Khó sử dụng do nhiều người không thích mùi thuốc hay các liệu pháp châm cứu.
Điều trị viêm da cơ địa bằng châm cứu, cấy chỉ
Châm cứu tác động vào kinh lạc, điều chỉnh lại sự mất cân bằng của các cơ quan khác nhau, giảm ngứa, giảm căng thẳng, giúp an thần, thư giãn.
Cấy chỉ là phương pháp đưa một đoạn chỉ tự tiêu vào huyệt, duy trì kích thích huyệt giúp phòng và trị bệnh, điều hòa khí huyết- tạng phủ bên trong để chữa bệnh.
Một số huyệt có thể sử dụng để châm cứu hoặc cấy chỉ để trị bệnh như: Khúc trì, Huyết hải, Túc tam lý, Thần môn, Tam âm giao… Khi châm cứu hay cấy chỉ đều cần bác sĩ có phác đồ phù hợp với thể trạng của bệnh nhân, tránh tác dụng phụ.
Phòng ngừa, tránh tái phát viêm da cơ địa
- Tránh các dị nhân gây viêm da cơ địa như: lông động vật, thực phẩm gây dị ứng,…
- Thiết lập chế độ ăn uống lành mạnh, không sử dụng các chất kích thích như rượu bia, thuốc lá…
- Sử dụng các loại kem dưỡng ẩm cho da.
- Bổ sung nước từ bên trong bằng cách uống đủ nước mỗi ngày.
- Ăn nhiều thực phẩm nhiều chất xơ như trái cây, rau xanh giúp bổ sung vitamin, các chất chống oxy hóa cho da.
- Bệnh nhân cần mặc các đồ thoáng mát, có độ thấm hút tốt.
- Không để tinh thần rơi vào trạng thái căng thẳng, stress sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh và tái phát dễ dàng hơn.
Kết luận
Viêm da cơ địa không gây nguy hiểm cho tính mạng nhưng gây khó khăn trong cuộc sống sinh hoạt cho bệnh nhân, nếu có những triệu chứng như bài viết đã nếu bạn đọc nên tới các cơ sở có uy tín để thăm khám và điều trị kịp thời, tránh bệnh nặng hơn và gây các biến chứng nguy hiểm khác.
DS. Hoàng Long (Thọ Xuân Đường)