NGUYÊN NHÂN GÂY BẠCH BIẾN
Bệnh bạch biến là một loại bệnh da liễu khá thường gặp mà trong đó các tế bào sắc tố da bị phá hủy dẫn đến màu da bị thay đổi. Bệnh biểu hiện bởi những dát, mảng da nhạt màu, giảm sắc tố hơn những vùng da còn lại của cơ thể, không ngứa, không đóng vảy, giới hạn rõ thường xuất hiện ở mặt sau của bàn tay, mặt và nách. Tuy là bệnh lành tính, không lây nhưng bạch biến gây ảnh hưởng lớn về mặt thẩm mỹ, tâm lý cũng như chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Hiện chưa có số liệu nghiên cứu chính xác về tỷ lệ mắc bệnh bạch biến tại Việt Nam. Xong bệnh bạch biến có thể gặp mọi lứa tuổi và mọi giới. Lứa tuổi thường gặp nhất là từ 10-30 tuổi, trong đó có hơn 50% xảy ra trước 20 tuổi và có thể gặp bệnh bạch biến ở trẻ em. Bệnh phân bố nhiều ở các nước vùng nhiệt đới và ở những chủng người da màu. Hầu hết bệnh nhân đều khỏe mạnh hoặc có kết hợp với các bệnh lý tự miễn khác như bệnh tuyến giáp, đái tháo đường, thiếu máu, thiểu sản tủy.
Nguyên nhân gây bệnh bạch biến là gì?
Nguyên nhân chính gây nên bệnh bạch biến là do có sự giảm số lượng và chất lượng của các tế bào sắc tố ở da. Bình thường, các tế bào sắc tố có nhiệm vụ sản xuất ra các hạt melanin là sắc tố tạo nên màu da của một người. Khi bị bạch biến, số lượng tế bào sắc tố của người bệnh sẽ ít hơn so với người bình thường. Đôi khi số lượng tế bào không thay đổi nhưng các tế bào này làm việc không hiệu quả. Dẫn đến tạo ra ít các hạt sắc tố hơn. Hậu quả là một vài vùng da bị nhạt màu hơn so với những vùng còn lại của cơ thể. Hiện nay, vẫn chưa tìm ra được nguyên nhân khiến cho số lượng và chất lượng tế bào sắc tố bị suy giảm. Một vài giả thuyết được đề ra bao gồm:
Do di truyền
Bạch biến có thể liên quan đến di truyền và tỷ lệ này chiếm khoảng 20% số ca mắc bệnh. Các nhà nghiên cứu cho rằng bệnh bạch biến có thể xảy ra do đột biến gen DR4, B13, B35 liên quan HLA. Nếu trong gia đình có người đã mắc bệnh bạch biến, bạn cũng có nguy cơ bị bệnh bị bạch biến. Yếu tố di truyền khiến da thiếu tế bào manocytes sẽ không thể tổng hợp được hắc sắc tố melamin, bệnh nhân sẽ sở hữu làn da trắng bạch ở diện rộng. Trường hợp này, bệnh nhân có thể bị bạch biến ở lông, tóc, khiến tóc nhanh bạc.
Do yếu tố miễn dịch
Các tự kháng thể xem các tế bào sắc tố như là các kháng nguyên và chống lại chúng, phá hủy tế bào sắc tố và làm giảm sản xuất sắc tố melanin gây bệnh bạch biến. Khoảng 20 - 30% bệnh nhân bạch biến có tự kháng thể chống lại tế bào của tuyến giáp, tuyến thượng thận, tuyến sinh dục, gan tụy nên một số bệnh nhân bạch biến có các bệnh lý kèm theo liên quan đến các cơ quan kể trên.
Do tiếp xúc với hóa chất độc hại
Một số loại hóa chất từ bên ngoài như Phenol, catfechin, Thiol… có thể tác động trực tiếp lên tế bào sắc tố từ đó gây cản trở quá trình hình thành nên hắc sắc tố, khiến da bị loang lổ gây bệnh bạch biến.
Do Stress, căng thẳng
Nếu bệnh nhân bị bạch biến tiềm ẩn, khi bị stress, căng thẳng, xúc động mạnh, chấn thương thể chất, bệnh sẽ phát triển tạo nên các đốm bạch biến trong thời gian ngắn.
Do sử dụng thuốc
Một số thuốc ức chế hệ miễn dịch của cơ thể như pembrolizumab, nivolumab… cũng có thể khởi phát bệnh bạch biến.
Ngoài ra, bệnh lý nhiễm trùng, nhiễm siêu vi cũng được coi là nguyên nhân có thể gây nên bệnh bạch biến.
Nếu không điều trị bệnh bạch biến thì có khoảng 15%-20% các trường hợp bệnh nhân có thể tự khỏi sau một thời gian. Nhưng đây là bệnh gây mất thẩm mỹ cũng giống như bệnh chàm, bệnh vảy cá làm cho bệnh nhân căng thẳng nên cần được điều trị sớm.
BS Thu Thủy
Để được tư vấn về các vấn đề sức khỏe vui lòng liên hệ
NHÀ THUỐC ĐÔNG Y GIA TRUYỀN THỌ XUÂN ĐƯỜNG Số
5 - 7 Khu tập thể Thủy sản, Ngõ 1 Lê Văn Thiêm, Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội.
Hotline: 0943986986 - 0937638282