CÁC PHƯƠNG PHÁP CHẨN ĐOÁN UNG THƯ TUYẾN TIỀN LIỆT
Ung thư tuyến tiền liệt là bệnh lý ác tính xảy ra khi có sự phát triển bất thường và quá mức của những tế bào tuyến tiền liệt. Ở giai đoạn đầu của bệnh, các tế bào ung thư chỉ phát triển trong tuyến tiền liệt, khi không được điều trị kịp thời, các tế bào tuyến tiền liệt tăng sinh, to dần và xâm lấn ra ngoài tuyến hoặc các cơ quan xung quanh gây nguy hiểm đến tính mạng người bệnh. Vì vậy việc phát hiện và chẩn đoán bệnh ung thư tuyến tiền liệt sớm là vô cùng quan trọng, hãy cùng Nhà thuốc Thọ Xuân Đường tìm hiểu các phương pháp chẩn đoán bệnh ung thư tuyến tiền liệt nhé!
Ung thư tuyến tiền liệt là một trong những loại bệnh ung thư phổ biến nhất ở nam giới và thường hay gặp ở độ tuổi trung niên. Tuy là một bệnh có sự phát triển chậm, đa số người mắc ung thư tiền liệt tuyến ở giai đoạn đầu có thể sống nhiều năm nếu được phát hiện kịp thời, nhưng nếu bệnh ở mức nặng sẽ lan ra rất nhanh chóng, xâm lấn ra các mô, cơ quan xung quanh (di căn). Ung thư tiền liệt tuyến có thể di căn sang các vùng khác đặc biệt là vào xương và các hạch bạch huyết,.. gây đau đớn và đi tiểu gặp khó khăn, khiến nam giới gặp vấn đề trong quan hệ tình dục, rối loạn chức năng cương dương.
Thăm khám trực tràng
Thăm khám trực tràng bằng ngón tay là biện pháp được sử dụng để phát hiện bệnh. Whitmore 1956, là người đầu tiên sử dụng khái niệm “sờ thấy được bằng đầu ngón tay” đối với ung thư tuyến tiền liệt. Thăm trực tràng là một phương pháp khám đơn giản, được thực hiện nhẹ nhàng vì ung thư tuyến tiền liệt có thể gây đau đớn. Hầu hết các ung thư tuyến tiền liệt xuất hiện ở vùng ngoại vi của tuyến tiền liệt và có thể được phát hiện qua thăm khám trực tràng khi thể tích khoảng 0,2 mL hoặc lớn hơn. Với phương pháp này khi thăm khám bác sỹ cảm nhận thấy bất kỳ cảm giác có nốt hoặc cục hoặc bất kỳ cảm giác rắn hoặc không đều nào ở tuyến tiền liệt đều có thể nghi ngờ đó là các dấu hiệu của ung thư tuyến tiền liệt.
Siêu âm tuyến tiền liệt
Siêu âm trên xương mu: Siêu âm trên xương mu cho phép đánh giá những ảnh hưởng của ung thư tuyến tiền liệt với đường tiết niệu trên, đặc biệt giai đoạn muộn của bệnh. Có thể thấy thành bàng quang giãn mỏng, hay viêm dày, niệu quản bể thận giãn ứ nước do u chèn ép. Qua siêu âm có thể đánh giá được các tổn thương khác như hạch chậu, mức độ xâm lấn u vào bàng quang, ngoài ra có thể đo kích thước tuyến tiền liệt. Nhược điểm của siêu âm trên xương mu là sử dụng đầu dò tần số thấp, khi siêu âm bị giới hạn bởi xương mu, không quan sát trực tiếp được tuyến tiền liệt, do vậy không cho được những hình ảnh rõ nét.
Siêu âm qua trực tràng: Từ những năm 1968, Watanabe đã lần đầu tiên sử dụng siêu âm qua trực tràng mô tả hình ảnh về tuyến tiền liệt. Siêu âm qua trực tràng sử dụng đầu dò tần số cao 5 - 7MHz nên cho hình ảnh rõ nét hơn so với siêu âm trên xương mu, có thể phát hiện được khối ung thư có đường kính 2-4 mm, đồng thời giúp sinh thiết chính xác hơn nhờ có thiết bị định vị đi kèm với đầu dò.
Xét nghiệm chất chỉ điểm ung thư PSA
PSA (Prostatic Specific Antigen) là kháng nguyên đặc hiệu của tuyến tiền liệt được mã hóa bởi gen KLK3, PSA được tiết ra từ các tế bào biểu mô của tuyến tiền liệt và có khối lượng phân tử dao động từ 30.000 - 34.000 dalton. Tuy nhiên PSA còn tồn tại trong một số các tổ chức tuyến khác, nên vẫn không được gọi là đặc hiệu lý tưởng cho tuyến tiền liệt. Phần lớn PSA trong máu đều gắn với các protein huyết tương. Chỉ có khoảng 30% PSA tự do không gắn với các protein. Các PSA tự do này không có khả năng phân hủy protein. Đây chính là lý do chỉ số PSA được coi là chất chỉ điểm ung thư tuyến tiền liệt.
Giá trị của PSA đối với chẩn đoán ung thư tiền liệt tuyến
- PSA từ 0 – 2.4 ng/ml không chắc chắn ung thư
- PSA từ 2 ng/ml - 4 ng/ml tỷ lệ ung thư khoảng 12-23%
- PSA 4.1- 10 ng/ml tỷ lệ ung thư khoảng 25%
- PSA >10 ng/ml tỷ lệ ung thư > 50%
Tỷ lệ chỉ số PSA tự do/PSA toàn phần được dùng để chẩn đoán ung thư tiền liệt tuyến nếu nồng độ PSA tự do nằm trong khoảng 4 - 10 ng/ml. Nếu tỷ lệ PSA tự do/PSA toàn phần dưới 15%, nguy cơ bị ung thư tiền liệt tuyến là rất cao.
Hiện nay PSA vẫn được coi là hiệu quả nhất trong chẩn đoán, xác định giai đoạn bệnh và theo dõi sự phát triển của ung thư tuyến tiền liệt. Ưu điểm của PSA là mang tính khách quan, kết quả không phụ thuộc người khám, tránh tâm lý ngượng ngùng, sợ đau của bệnh nhân. Trong nhiều nghiên cứu, các tác giả còn khẳng định sử dụng PSA làm tăng cơ hội phát hiện bệnh sớm, có khả năng điều trị khỏi. PSA là công cụ tốt để dự đoán nguy cơ, theo dõi và đánh giá kết quả sau điều trị. Vai trò mới của PSA ngày nay như một yếu tố xác định nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt trong tương lai. PSA có thể dự báo UT trước 25 - 30 năm.
Sinh thiết tuyến tiền liệt
Chỉ định sinh thiết tuyến tiền liệt dựa trên hướng dẫn của thăm khám trực tràng và nồng độ PSA máu. Sinh thiết tuyến tiền liệt qua đường trực tràng dưới hướng dẫn siêu âm là kỹ thuật được lựa chọn nhiều nhất hiện nay. Thông thường tiến hành bấm lấy mỗi thuỳ tuyến từ 3 - 6 mảnh từ đỉnh tới nền của tuyến, đánh số các vị trí để có thể lập bản đồ tổn thương giải phẫu bệnh của bệnh ung thư tuyến tiền liệt.
Sự kết hợp giữa thăm trực tràng, định kỳ làm xét nghiệm PSA máu và sinh thiết tuyến tiền liệt khi có nghi ngờ cho phép chẩn đoán > 90% ung thư tuyến ở giai đoạn khu trú và đóng góp đáng kể vào hiệu quả điều trị.
Chụp cắt lớp vi tính (CT scanner)
Chụp cắt lớp vi tính vừa cho phép chẩn đoán mức độ xâm lấn tại chỗ của khối u (T), đồng thời cho phép chẩn đoán di căn, đặc biệt là di căn hạch chậu. Khi PSA < 10ng/ml, thì khả năng phát hiện di căn hạch của chụp cắt lớp là rất thấp.
Chụp cộng hưởng từ (MRI)
Rất có giá trị chẩn đoán mức độ xâm lấn của khối u vào tổ chức xung quanh và hạch vùng, đặc biệt là MRI nội trực tràng. Giá trị chẩn đoán của MRI nội trực tràng đối với ung thư tuyến tiền liệt: độ nhạy 53%, độ đặc hiệu 94%, chính xác 70%, đồng thời giúp cho việc sinh thiết tiền liệt tuyến được chính xác hơn.
Xạ hình xương
Xạ hình xương có độ nhạy cao trong chẩn đoán di căn xương, thường gặp là cột sống và xương chậu. Xạ hình xương cần được phối hợp với khám xương để chẩn đoán phân biệt với các triệu chứng đau xương khác như viêm xương khớp, thoát vị đĩa đệm...
PET Scan (positron emission tomography)
PET Scan là phương pháp xác định giai đoạn bệnh hiện đại dựa trên các hình ảnh cắt lớp được chụp sau khi tiêm các hoạt chất phóng xạ như 18 - Fluoro - Deoxy Glucose (FDG). Các chất phóng xạ này sẽ tích tụ lại những nơi tăng chuyển hoá glycolyse do ung thư. Ưu điểm của phương pháp này là có khả năng phát hiện di căn sớm.
BS Thu Thủy
Để được tư vấn về các vấn đề sức khỏe vui lòng liên hệ
NHÀ THUỐC ĐÔNG Y GIA TRUYỀN THỌ XUÂN ĐƯỜNG
Số 5 - 7 Khu tập thể Thủy sản, Ngõ 1 Lê Văn Thiêm, Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội.
Hotline: 0943986986 - 0937638282