U MÁU SƠ SINH CÓ ĐÁNG LO HAY KHÔNG?
Trẻ sơ sinh có thể mắc khá nhiều bệnh khác nhau trong đó u máu sơ sinh là 1 trong các bệnh khá thường gặp. Căn bệnh này thường xuất hiện từ sau sinh khoảng 1 vài tuần khiến các bậc cha mẹ vô cùng lo lắng. Vậy u máu sơ sinh có thật sự đáng lo hay không? Cùng nhà thuốc Thọ Xuân Đường tìm hiểu về căn bệnh này.
1. Dấu hiệu phát hiện u máu
U máu thường bắt đầu bằng những vết đỏ da và phẳng xuất hiện ngay trên bề mặt da, sau đó phát triển to dần. Tùy theo đặc điểm của u máu mà chia thành các nhóm sau:
- U hạt máu ở da hay còn gọi u máu nông.
Loại u máu này có diện tích rộng, hẹp khác nhau, màu đỏ, lúc đầu nhẵn bằng phẳng với mặt da, sau đó gồ lên, sáng hơn, dùng hai ngón tay cái ấn giãn ra có thể mất màu hồng, sau đó trở lại màu cũ khi bỏ tay ra.
- U máu dưới da hay còn gọi u máu sâu
Khối u dưới da gồ lên so với vùng da lành, nóng, nhưng không thấy mạch đập khi ấn ngón tay. Màu da trên nền u bình thường hoặc nhạt, hoặc tím, hoặc giãn mao mạch.
- U hỗn hợp là hình ảnh hay gặp nhất
Mang đặc điểm của 2 loại trên, thương tổn đơn lẻ hoặc nhiều u. Vị trí u máu có thể bất kỳ nhưng thường gặp ở đầu cổ (tỷ lệ 50-75%), kích thước thường dưới 3cm đường kính (tỷ lệ 60-80%).
2. Tiến triển và biến chứng của u máu
Diễn tiến của một u máu điển hình có thể dự đoán được một cách tương đối, hầu hết chúng xuất hiện trong những tuần đầu sau sinh và phát triển trong suốt năm đầu của cuộc sống. Thông thường các u máu trải qua các giai đoạn sau:
- Giai đoạn tăng sinh:
Thường diễn ra trong 3 tháng, nhưng có khi diễn ra trong 6 tháng với u máu nông, 8-10 tháng với u máu sâu. Trong giai đoạn này, 80% u máu tăng gấp đôi kích thước trong đó khoảng 5% phát triển ồ ạt, có thể đe dọa tính mạng, ảnh hưởng chức năng và thẩm mỹ của trẻ.
- Giai đoạn ổn định:
Sau giai đoạn tăng sinh, u máu dần dần ổn định cả kích thước và dấu hiệu lâm sàng, kéo dài đến tháng thứ 18-20.
- Giai đoạn thoái triển:
Giai đoạn này chậm thời gian đầu màu da nhạt dần sau đó u máu dưới da xẹp dần, nhưng chậm hơn. Sự thoái triển này xảy ra đến 70-80% các trường hợp sau 6 tuổi. Sự thoái triển của u máu dưới da thường chậm hơn u máu da.
Sự cải thiện của u máu diễn ra trong nhiều năm, khoảng một nửa u máu sẽ cải thiện tốt lúc trẻ được 5 tuổi, số còn lại sẽ tiếp tục tăng sinh và phát triển tiếp tục. Mặt khác, hầu hết u máu sẽ cải thiện rõ rệt khi trẻ được 10 tuổi. Cần lưu ý dù màu sắc của u máu có biến mất hay nhạt đi sau khi thoái triển nhưng sự dãn da và sẹo vẫn có thể tồn tại vĩnh viễn.
Mặt khác rất khó để dự đoán được từng trường hợp sẽ tiến triển ra sao, nhưng cần nhớ rằng hầu hết các u máu không cần điều trị và có thể tự thoái triển theo thời gian.
Nói chung u máu sơ sinh đa phần lành tính chỉ cần theo dõi là chính. Tuy nhiên nếu u máu kích thước lớn, hoặc u máu gây chèn ép ảnh hưởng đến sức khỏe của các trẻ thì cần điều trị sớm.